Theo các nhà phân tích và đầu tư lĩnh vực sức khỏe, hãng dược Pfizer cùng đối tác Đức BioNTech và Moderna đã cùng nhau chốt hơn 60 tỷ USD doanh thu từ các mũi tiêm vaccine chỉ trong hai năm 2021 và 2022. Các thỏa thuận với những hãng dược này bao gồm cung cấp đủ lượng vaccine cho hai liều ban đầu và hàng tỷ USD từ lượng vaccine dùng cho các mũi tăng cường tại các nước giàu.
Các nhà phân tích dự báo Pfizer/BioNTech và Moderna sẽ đạt doanh thu lần lượt hơn 6,6 tỷ USD và 7,6 tỷ USD năm 2023, chủ yếu đến từ doanh số bán các liều vaccine để tiêm mũi tăng cường.
Moderna đầu tháng này cho biết vaccine Covid-19 của họ đạt hiệu quả 93% từ 4 đến 6 tháng sau mũi thứ hai. Đối thủ của Moderna là Pfizer/BioNTech cho biết hiệu quả vaccine Covid-19 của họ giảm khoảng 6% sau mỗi hai tháng, xuống còn khoảng 84% trong 4-6 tháng sau khi tiêm mũi thứ hai.
Tuy nhiên, vẫn cần thêm nghiên cứu về vấn đề này nhằm xác định liệu hiệu quả của vaccine Covid-19 có bị ảnh hưởng do độ tuổi hay tình trạng sức khỏe của người được tiêm chủng. Cả vaccine Moderna và Pfizer/BioNTech đều dựa trên công nghệ RNA thông tin (mRNA).
Tiêm mũi vaccine Covid-19 tăng cường vẫn là vấn đề gây tranh cãi vì chưa rõ bao nhiêu người cần tiêm và tần suất ra sao. Một số nhà khoa học cũng đặt câu hỏi liệu có đủ bằng chứng cho thấy các mũi tiêm tăng cường là cần thiết, đặc biệt đối với người trẻ và khỏe mạnh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong khi đó khuyến cáo các nước chưa nên vội tiêm liều tăng cường để đảm bảo nguồn cung vaccine cho những quốc gia nghèo hơn.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)