"Dữ liệu sẵn có cho thấy rất rõ ràng khả năng vaccine Covid-19 bảo vệ cơ thể khỏi nCoV bắt đầu giảm dần theo thời gian sau các mũi ban đầu. Cùng việc Delta đang là chủng trội, chúng tôi bắt đầu thấy bằng chứng vaccine giảm khả năng bảo vệ khỏi ca nhẹ và trung bình", Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Rochelle Walensky và Tổng y sĩ Mỹ Vivek Murthy hôm nay cho biết trong một thông cáo.
Các quan chức cảnh báo vaccine vẫn "hiệu quả đáng kể" trong giảm nguy cơ ca bệnh nặng, nhập viện và tử vong do Covid-19, nhưng khả năng bảo vệ có thể giảm trong những tháng tới nếu không được tiêm bổ sung.
"Chúng tôi kết luận rằng sẽ cần một mũi tiêm tăng cường để tối đa hóa khả năng bảo vệ cũng như kéo dài tính ổn định của vaccine", thông cáo nêu thêm.
Các mũi tiêm tăng cường bắt đầu được triển khai từ 20/9 cho những người đã tiêm đủ hai mũi vaccine của Pfizer hoặc Moderna được 8 tháng. Các quan chức cũng dự đoán cần tiêm mũi tăng cường vào cuối năm nay cho những người đã tiêm vaccine Johnson & Johnson, được triển khai hồi tháng 3.
New York Times hôm 16/8 đưa tin Mỹ có thể bắt đầu cung cấp mũi tiêm vaccine Covid-19 thứ ba sớm nhất là vào giữa tháng 9 và giới chức y tế dự định dùng cùng loại vaccine người dân đã tiêm trước đó cho mũi tiêm tăng cường. Hướng dẫn mới về mũi tiêm vaccine Covid-19 tăng cường sẽ được chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố trong tuần này.
Mỹ tuần trước phê duyệt tiêm mũi tăng cường cho những người bị suy yếu hệ miễn dịch. Hiện có khoảng 3% người Mỹ bị suy yếu hệ miễn dịch vì nhiều lý do và mức độ nghiêm trọng khác nhau.
Quyết định mới nhất nêu bật mối lo ngại về ca nhiễm tăng nhanh chóng ở một số bang của Mỹ, khi chương trình tiêm chủng đại trà của nước này gặp phải sự phản kháng từ các khu vực bảo thủ chính trị ở miền nam và Trung Tây.
Tiêm mũi vaccine Covid-19 tăng cường vẫn là vấn đề gây tranh cãi vì chưa rõ bao nhiêu người cần tiêm và tần suất ra sao. Một số nhà khoa học cũng đặt câu hỏi liệu có đủ bằng chứng cho thấy các mũi tiêm tăng cường là cần thiết, đặc biệt đối với người trẻ và khỏe mạnh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo các nước chưa nên vội tiêm liều tăng cường để đảm bảo nguồn cung vaccine cho những quốc gia nghèo hơn. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ đã phản đối lời khuyên này, cho rằng họ vừa có thể tiêm mũi thứ ba cho người dân vừa có thể đóng góp cho thế giới.
Huyền Lê (Theo AFP)