Để ý một chút, chúng ta có thể thấy rằng chỉ cách đây không lâu, nếu ai đó nói chuyện cấm ăn thịt chó, mèo hoặc có bài viết nào về vấn đề này thì đều nhận được sự phản đối kịch liệt.
Chẳng hạn: hơn một năm trước khi tôi đưa ra ý kiến 'Hà Nội nên học Hội An nói không với thịt chó, mèo' thì có rất nhiều quan điểm không đồng tình.
Những ý kiến phản đối chủ yếu vin vào hai lý do chính:
1. Con chó, con mèo cũng không khác gì con gà con lợn, con gà... bởi vậy chuyện ăn thịt chó, mèo cũng chẳng khác gì ăn thịt các con vật khác. Tuy vậy, xin hỏi những người đánh đồng chó, mèo với gà, lợn... có thấy rằng:
Chẳng mấy người để gà, lợn, trâu, bò vào nhà thậm chí là ngủ cùng với mình. Nhưng nhiều người lại để chó, mèo tự do thoải mái vào nhà, thậm chí là ôm ấp , ngủ cùng. Chẳng mấy ai nuôi gà, lợn... làm bạn nhưng nhiều người lại nuôi chó, nuôi mèo để làm bạn.
Có thể bạn đi xa hàng tháng, hàng năm, có thể bạn thất bại hết lần này đến lần khác trong cuộc sống đến nỗi ai cũng quay lưng với bạn nhưng chỉ cần nghe tiếng xe của bạn từ đằng xa thì con chó đã mừng rối rít bởi "chó không chê chủ nghèo" - như các cụ đã dạy.
Có người nói: "để có một người bạn trung thành thì hãy nuôi một con chó" chứ không ai nói là "nuôi con gà ,con lợn...". Có những con chó trung thành đến mức: mà khi người chủ bị chết có con chó nằm bên mộ hàng năm trời. Giết thịt con vật được coi là người bạn trung thành của mình rồi coi mình là người văn minh hay đang tiến tới văn minh nghe có vẻ sai sai.
2. Về khía cạnh văn hóa. Lý do quan trọng thứ hai mà nhiều người lấy đó để phản đối chuyện cấm ăn thịt chó, mèo liên quan đến văn hóa. Những người này cho rằng: ăn thịt chó, mèo là truyền thống văn hóa lâu đời của nước ta, mà đã là truyền thống thì không thể bỏ được.
Thế nghĩa là: đã là truyền thống thì dù tốt hay xấu thì cũng cần phải gìn giữ, không thể thay đổi được? Để trả lời câu hỏi này thì tôi xin minh họa bằng những sự thay đổi ngoạn mục từ làng tôi.
Làng tôi là một làng quê yên bình như nhiều làng quê khác ở xứ Kinh Bắc. Làng tôi đậm chất của một làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ, từ phong cảnh vẫn còn được gìn giữ hàng trăm năm với cây đa, bến nước, sân đình rêu phong, cố kính đến phong tục tập quán.
Với vị trí địa lý, truyền thống lịch sử của làng như vậy thì sự thay đổi những phong tục, tập quán của người dân trong làng sẽ là khó khăn đến mức nào, thậm chí là nếu ai ở nơi khác sẽ nghĩ rằng chuyện đó là không thể.
Nhưng thật may mắn là dân trí quê tôi khá cao cộng với địa thế khá thuận lợi cho sự phát triển bởi vậy nên quê tôi đang thay đổi từng ngày trên mọi lĩnh vực: văn hóa, kinh tế, xã hội... Nếu người nào ở quê tôi mà đi xa khoảng hơn chục năm nay mới trở về thì chắc sẽ ngạc nhiên lắm. Nhà cửa, đường xá khang trang, sạch đẹp là điều dễ nhận thấy nhưng nhiều nét văn hóa cũng có nhiều thay đổi.
Đặc biệt là có những phong tục, tập quán chắc có từ thời khai thiên, lập địa của làng tưởng là không thể thay đổi được nhưng nay đã và đang thay đổi theo hướng văn minh hơn.
Trước kia đám cưới, đám tang trong làng cứ phải trăm mâm cỗ trở lên thì nay đã giảm tiện rất nhiều. Giờ nếu đám cưới hoành tráng thì cũng chỉ vài chục mâm cỗ, đám tang thì tuyệt đối không ăn uống, việc ăn uống trong đám tang giờ chỉ gói gọn trong gia đình, họ hàng thân thiết.
Đám tang trước kia có khi diễn ra mấy ngày, kèn trống nhiều khi là đoàn nhạc hiếu hàng chục người nhưng nay được thay bằng những bản nhạc như Hồn tử sĩ, Tình cha, Lòng mẹ...
Mấy năm trước việc nói chuyện cấm ăn thịt chó, mèo có thể bị coi là có vấn đề nhưng nay thì việc bàn đến chuyện này là bình thường. Rất có thể đến một ngày không xa chuyện cấm ăn thịt chó, mèo là điều có thể vì chúng ta đã và đang nghĩ đến.
Hội An đã nói không với thịt chó, mèo và mới đây Hà Nội cũng đã đề cập đến việc này. Mong rằng việc này sẽ sớm lan tỏa ra nhiều địa phương khác, góp phần cho cuộc sống ngày một văn minh hơn.
Anh Phạm
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.