Ngày 4/7, Ban Công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử phối hợp cùng tổ chức Truyền thông thay đổi hành vi Intelligentmedia và tổ chức Soi Dog Foundation International tổ chức tọa đàm "Buôn bán và tiêu thụ thịt động vật nuôi (chó, mèo): Chính sách, thách thức và cơ hội".
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học lớn của cả nước mà còn là "thành phố vì hòa bình", nơi thu hút hàng triệu du khách đến tham quan, du lịch. Do đó, việc kinh doanh, giết mổ, tiêu thụ thịt chó, mèo tạo cảm xúc không tốt đối với du khách, nhất là khách quốc tế, người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Hà Nội.
Để giảm trừ và chấm dứt việc buôn bán, tiêu thụ thịt chó, mèo, ông Tường đề nghị thực hiện các giải pháp phòng, chống bệnh dại, xây dựng vùng an toàn bệnh dại, quản lý việc giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo trên địa bàn.
Các cơ quan phải tổ chức bắt giữ chó thả rông, vô chủ, khuyến khích các hoạt động nhân đạo, phúc lợi động vật; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm trong kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ chó, mèo và phòng, chống dịch bệnh dại động vật, từng bước thay đổi nhận thức của cộng đồng.
Ông Rahul Sehgal, Giám đốc Tuyên truyền Vận động chương trình quốc tế, Tổ chức Soi Dog Foundation International, đánh giá lệnh cấm buôn bán và tiêu thụ thịt chó, mèo sẽ là công cụ hiệu quả và Hà Nội có thể là địa phương thí điểm công cụ này. Soi Dog Foundation International cam kết hỗ trợ xây dựng khung pháp lý, các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi và tạo điều kiện thiết lập các cơ chế phối hợp hiệu quả hướng đến việc hình thành quan niệm xã hội nói không với việc tiêu thụ thịt chó, mèo.
Theo các đại biểu tham dự hội thảo, ăn thịt chó mèo là thói quen bắt nguồn từ xa xưa trong xã hội. Để từng bước xóa bỏ thói quen, cần nâng cao nhận thức và giáo dục. Về lâu dài, các chiến dịch truyền thông cần được thực hiện để thay đổi hành vi dựa trên những bằng chứng khoa học, tập trung vào nhóm buôn bán, tiêu thụ để thay đổi hành vi của nhóm này.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ thịt chó là mối đe dọa tiềm ẩn đối với sức khỏe cộng đồng và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như xoắn khuẩn, tả. Thống kê của các tổ chức phúc lợi động vật quốc tế cho thấy, trung bình hàng năm có khoảng 5 triệu con chó và một triệu con mèo bị buôn bán và giết thịt tại Việt Nam.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hà Nội hiện có tổng đàn chó, mèo dao động 421.000-460.000 con và đang có xu hướng gia tăng. Từ năm 2018, Hà Nội đã kêu gọi và vận động "người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo", Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đưa ra ý tưởng "cấm bán thịt chó ở các quận nội thành từ năm 2021".
Sau một năm, Chi cục trưởng Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng số lượng người ăn thịt chó đã giảm nhưng để thực sự hiệu quả thì cuộc vận động phải kéo dài, thậm chí hàng chục năm bởi thói quen, tập quán của người dân khó thay đổi.
Sơn Hà - Võ Hải