Tôi là một nhân viên văn phòng, tham gia vào thị trường chứng khoán lần đầu tiên cách đây bốn năm (từ năm 2017), với số vốn 20 triệu đồng, sau đó tăng dần lên theo thời gian. Ban đầu, tôi nghe lời tư vấn của một môi giới trẻ, không có kinh nghiệm, liên tục kêu tôi mua vào, bán ra, để chạy chỉ tiêu. Tôi lướt sóng liên tục, và sai lầm liên tục, kết quả là lỗ nặng.
Sau đó, tôi tự mò mẫm để chơi và lỗ tiếp. Nhiều lần vừa học vừa chơi như vậy, tôi bắt đầu có được nhiều kiến thức, kinh nghiệm và gỡ dần. Tuy nhiên, đợt dịch Covid bùng phát, tôi lại lỗ tiếp. Đỉnh điểm thua lỗ là có lúc tôi mất tới 60% tài khoản (lúc đó vốn của tôi là 300 triệu đồng) khi dịch Covid lần đầu vào Việt Nam. Nhưng sau đó, tôi dần hiểu và nắm được quy luật thị trường và tìm cách thay đổi.
Nhờ lượng tiền lớn đổ vào thị trường thời gian gần đây, tôi liên tục lướt sóng và có được thành công. Từ năm vừa qua, tôi đã gỡ được 100% số vốn ban đầu và thậm chí còn lãi được 100 triệu đồng đầu tiên trước Tết Nguyên Đán. Từ đó đến nay, tôi vẫn lướt sóng liên tục, và hiện tại tài khoản đã được nhân lên bốn lần. Bản thân tôi giờ đây cảm thấy khá tự tin rằng mình có thể sống được với nghề làm Trader.
>> Lỗ 20.000 USD sau một tuần chơi chứng khoán nước ngoài
Trên thị trường chứng khoán Việt, có hai xu hướng tồn tại song hành là đầu tư lướt sóng và đầu tư lâu dài theo giá trị. Đối với các nhà đầu tư ưa thích mạo hiểm và mong muốn kiếm lợi nhuận cao, chấp nhận rủi ro cao thì có thể chọn lựa phương pháp "lướt sóng". Khi lựa chọn phương pháp đầu tư này, các nhà đầu tư cần phải lắng "nghe hơi thở" của thị trường, theo dõi thêm các diễn biến về kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương trên thế giới. Những nhà đầu tư trẻ ngày nay thường ưa chuộng cổ phiếu có tính thanh khoản cao, thời gian nắm giữ một mã chứng khoán thường dưới một tháng, có khi lướt sóng liên tục.
Xu hướng đầu tư ngắn hạn đang chiếm ưu thế hiện nay, nguyên nhân chủ yếu đến từ hai yếu tố. Đầu tiên là chính sách tiền rẻ và lãi suất siêu thấp của các ngân hàng trung ương trên thế giới để hỗ trợ cho nền kinh tế chống lại dịch Covid-19. Với môi trường lãi suất thấp như vậy, dòng tiền có xu hướng tìm kiếm lợi nhuận nhanh và có xu hướng đầu tư vào tài sản tài chính, trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay đang gặp khó khăn và cơ hội đầu tư kinh doanh ít đi.
Thứ hai, lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường chứng khoán hiện nay đang khá nhiều. Từ đầu năm đến nay có khoảng 600.000 nhà đầu tư mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam, một phần trong số đó chưa có nhiều kinh nghiệm trên thị trường cũng như chưa có kinh nghiệm nhìn nhận doanh nghiệp, phân tích đầu tư mang tính cơ bản. Do đó, họ sẽ ưa chuộng trường phái đầu tư trading ngắn hạn nhiều hơn.
Trên thực tế, nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là những "tay chơi" mới, đang ưa chuộng việc đầu tư và nắm giữ cổ phiếu vài tháng đến dưới một năm. Trong khi đó, các báo cáo nhận định của các công ty chứng khoán thường sẽ định giá trung hạn từ một năm hay hai năm. Vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng rất mạnh về thanh khoản và điểm số, vì thế mà hoạt động đầu cơ lướt sóng mua bán liên tục và đang chiếm ưu thế.
CLD
>> Bạn đang lại hay lỗ chứng khoán? Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.