Bà Đoàn Thị Tâm (61 tuổi, ngụ Đông Anh, Hà Nội) được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cấp cứu trong tình trạng ho nhiều, đau tức vùng ngực, suy hô hấp, tím tái. Bệnh nhân được các bác sĩ trợ thở bằng máy.
Theo bệnh sử, 2 tuần trước, bà Tâm mắc cúm A với các triệu chứng chứng ho, sốt, đau nhức. Gia đình đưa đến một bệnh viện ở gần nhà khám và điều trị, sau một tuần triệu chứng cải thiện, bà xuất viện. Tuy nhiên, những ngày sau đó thời tiết thay đổi, mưa nhiều, không khí lạnh chuyển đột ngột sang khô hanh khiến bà tái phát cơn ho nặng hơn, nặng ngực, khó thở và phải tái nhập viện.
Lần này, kết quả xét nghiệm cho thấy bà không nhiễm cúm mà nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV), gây nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phổi. Sau quá trình điều trị, hiện triệu chứng suy hô hấp của bệnh nhân được kiểm soát, da hồng hào trở lại.
Ông Nguyễn Văn Đức (66 tuổi, ngụ TP HCM) đang điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức cấp cứu (ICU) Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM do mắc cúm A bội nhiễm phế cầu khuẩn, biến chứng viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết. Gia đình cho hay, trước đó, ông đã điều trị cúm khoảng 4 ngày tại bệnh viện khác nhưng bệnh chưa dứt điểm đã tự ý về nhà.

Bệnh nhân đang điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức Cấp cứu (ICU), BVĐK Tâm Anh TP HCM. Ảnh: Nguyễn Trăm.
Theo BS.CKII Phạm Thị Thanh Tâm, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, sức đề kháng của người cao tuổi vốn đã suy giảm theo tuổi tác, thêm cơ địa nhiều bệnh nền nên dễ mắc bệnh truyền nhiễm và trở nặng. Đặc biệt, khi điều kiện môi trường, khí hậu thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển, nguy cơ và tần suất mắc bệnh ở người cao tuổi càng tăng.
"Không hiếm gặp những trường hợp bệnh nhân nhập viện 2-3 lần chỉ trong vòng một tháng, trong đó nhiều bệnh nhân tái nhiễm virus cúm, hoặc nhiễm tác nhân khác khi cơ thể đã bị suy nhược như nhiễm virus viêm não Nhật Bản, vi khuẩn phế cầu, virus viêm gan B, vi khuẩn ho gà... Khi tần suất mắc bệnh tăng lên, nguy cơ diễn tiến nặng cao hơn. Do đó, khi có các triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi... người dân cần đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị kịp thời", bác sĩ Tâm nói.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC, khuyến cáo, bước vào những tháng cuối năm, thời tiết lạnh, mưa nhiều, độ ẩm cao... là những điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp như cúm mùa (Việt Nam đang ghi nhận sự xuất hiện của chủng cúm A và cúm B), phế cầu khuẩn, vi khuẩn ho gà, virus hợp bào hô hấp RSV... phát triển. Nếu không có biện pháp phòng ngừa, nguy cơ bệnh chồng bệnh cao.
Người cao tuổi, người có bệnh nền là những đối tượng nguy cơ cao mắc, diễn tiến nặng do bệnh. Khi hệ hô hấp đã bị tổn thương do một mầm bệnh, người bệnh có thể đồng nhiễm hoặc bội nhiễm thêm 2-3 tác nhân khác khiến cơ thể dễ ngã quỵ hơn.

Người dân tiêm vaccine phòng bệnh truyền nhiễm trước mùa đông tại Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC. Ảnh: Nguyên An
Người dân cần chủ động phòng bệnh bằng các biện pháp: đeo khẩu trang; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc nghi mắc bệnh truyền nhiễm hô hấp; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực nâng cao sức khỏe. Mặt khác, tiêm vaccine tăng cường đề kháng hệ hô hấp là biện pháp phòng nhiều bệnh hiệu quả.
"Virus hợp bào hô hấp chưa có vaccine; cúm mùa, phế cầu khuẩn, ho gà... đã có vaccine, giúp phòng bệnh và các biến chứng nặng. Tiêm phòng vaccine cúm ở người lớn giảm 37% nguy cơ nhập viện vì bệnh cúm và giảm 82% nguy cơ nhập viện ICU do cúm. Vaccine phế cầu Prevenar 13 giúp người cao tuổi phòng ngừa hiệu quả viêm phổi và các bệnh do phế cầu khuẩn như nhiễm trùng huyết, viêm màng não, viêm tai giữa. Người lớn, người cao tuổi chỉ cần tiêm một mũi vaccine phế cầu cho bảo vệ suốt đời", bác sĩ Chính nhấn mạnh.
Anh Chi
Vào lúc 20h thứ sáu, ngày 4/11/2022, chương trình tư vấn trực tuyến "Những vaccine quan trọng người lớn cần tiêm trước cuối năm" sẽ được phát trên các fanpage VnExpress, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome...
Tham gia tư vấn có các chuyên gia: Bác sĩ Lê Thị Trúc Phương - Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC; Bác sĩ Bùi Thanh Phong - Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC; BS.CKII Phạm Thị Thanh Tâm - BS Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Bạn đọc quan tâm có thể đặt câu hỏi tại đây.