Vụ việc máy bay mang số hiệu 7K9268 thuộc hãng hàng không giá rẻ Kogalymavia (Metrojet), Nga, hôm 31/10 rơi trên bán đảo Sinai, Ai Cập, khiến toàn bộ 224 người trên khoang thiệt mạng, tiếp tục làm dấy lên nhiều hoài nghi khi hôm qua Metrojet tuyên bố phi cơ rơi không phải do lỗi của con người hay trục trặc kỹ thuật, theo New York Times.
Việc máy bay từng bị hư hỏng và phải sửa chữa vào năm 2001 kết hợp với tuyên bố của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Ai Cập tự nhận đã bắn hạ chiếc phi cơ khiến hàng loạt nghi vấn nảy sinh.
Những thông tin mà hãng hàng không phát đi nhưng không kèm theo dẫn chứng cụ thể đang khiến vụ việc ngày càng trở nên rối ren.
Trong buổi họp báo ở Moscow vào hôm qua, các quan chức hàng đầu của Metrojet tỏ ra khá chắc chắn với lời khẳng định máy bay và phi hành đoàn không có sai phạm nào.
"Chúng tôi hoàn toàn loại trừ khả năng xảy ra lỗi kỹ thuật và chúng tôi cũng bác bỏ quan điểm cho rằng phi công phạm sai lầm", Aleksandr A. Smirnov, phó giám đốc điều hành bay của Metrojet, nói. Ông cho hay nguyên nhân dẫn tới tai nạn có thể là bởi "tác động từ bên ngoài".
Nhưng Reuters hôm nay dẫn lời một nguồn tin thuộc ủy ban đang phụ trách việc phân tích hộp đen của máy bay cho biết kết quả ban đầu cho thấy máy bay Nga không chịu tác động từ bên ngoài.
Sau cuộc họp báo của Metrojet, đại diện chính phủ Nga cũng lên tiếng phản bác những thông tin mà hãng cung cấp.
"Đưa ra các tuyên bố như vậy vào lúc này còn quá sớm, chưa kể nó không hề dựa trên một thực tế nào", Alexander Neradko, lãnh đạo Cơ quan Vận tải Hàng không Liên bang, nói trên kênh truyền hình Rossiya-24.
Metrojet đồng thời phủ nhận cả việc máy bay bị IS bắn hạ. Chuyên gia tình báo Mỹ cũng tỏ ra hoài nghi trước tuyên bố của các tay súng cực đoan. Ông James R. Clapper Jr., giám đốc tình báo quốc gia, cùng Nicholas J. Rasmussen, giám đốc Trung tâm chống Khủng bố Quốc gia Mỹ cho biết các cơ quan an ninh nước này chưa phát hiện chứng cứ cụ thể nào cho thấy máy bay bị khủng bố tấn công.
Dù vậy, Clapper cùng các nhà phân tích cũng không gạt bỏ giả định máy bay bị đánh bom bởi trong quá khứ từng có nhiều sự vụ tương tự xảy ra. Tháng 12/1988, một quả bom trong khoang hành lý trên chiếc Boeing 747 của hãng hàng không Pan American Airways đi từ London, Anh, tới New York, Mỹ, đã phát nổ trên bầu trời Lockerbie, Scotland, khiến 270 người thiệt mạng. Vụ việc được cho là do các đối tượng người Libya thực hiện.
Nga từ lâu đa lo ngại về các vụ tấn công do phiến quân Hồi giáo thực hiện nhằm vào nước này. Tại Chechnya, năm 2004, hai phụ nữ đã mang lựu đạn cầm tay phá hủy hai chuyến bay nội địa. Quan trọng hơn, gần đây, Nga triển khai lực lượng tới Syria, hỗ trợ chính quyền Tổng thống Syria Assad, tấn công các nhóm nổi dậy, trong đó có tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). IS đã kêu gọi một cuộc thánh chiến toàn cầu chống lại Nga.
Ban lãnh đạo Metrojet cho hay các phi công đã không phát tín hiệu cầu cứu hay đưa ra bất kỳ cảnh báo nào về trục trặc trên máy bay. Ông Smirnov khẳng định phi cơ đang bay chậm thì đột ngột hạ độ cao khoảng 1.500 m trước khi rơi một phút. Việc máy bay thay đổi độ cao liên tục vào 20 giây cuối cùng cho thấy phi hành đoàn đã cố gắng để xử lý tình huống nhưng không thành công.
Metrojet mặt khác cũng bác bỏ những chỉ trích nói phi cơ của hãng đã quá cũ. Đại diện Metrojet phủ nhận cả ý kiến cho rằng một sự cố trong quá khứ đã tạo ra sai sót chết người trong cấu trúc máy bay khiến thảm họa xảy ra. Chiếc Airbus 321 này năm 2001 hạ cánh xuống sân bay Cairo nhưng mũi máy bay đã ngóc lên quá cao làm phần đuôi bị quệt xuống đường băng khiến nó hư hỏng nặng.
Theo Andrei B. Averianov, phó giám đốc kỹ thuật của Metrojet, chiếc phi cơ 18 năm tuổi này mới chỉ bay 57.000 giờ, ít hơn nhiều so với mức tiêu chuẩn của nó là 120.000 giờ. Ông cũng thêm rằng thời gian hoạt động của nó không có gì "bất thường" nếu so với các máy bay khác của châu Âu hay Nga.
"Tôi chắc chắn rằng sự cố năm xưa không thể là nguyên nhân gây tai nạn bởi máy bay được chính nhà sản xuất tu sửa", ông Averianov nói. "Airbus đã phát triển một công nghệ đặc biệt để thực hiện công việc này nhằm đảm bảo khả năng sử dụng của máy bay". Bên cạnh đó, phần đuôi máy bay cũng được kiểm tra mỗi 24 tháng nên mọi vết nứt hay hư hỏng đều sẽ bị phát hiện.
Nhưng theo New York Times, từng có ít nhất hai vụ việc máy bay bị vỡ tung hoặc không thể kiểm soát sau khi trải qua quá trình sửa chữa phần đuôi tương tự.
Một chiếc Boeing 747 của hãng hàng không China Airlines khởi hành từ Đài Loan tới Hong Kong hồi tháng 5/2002 đã vỡ tan thành nhiều mảnh khi đang tiếp cận độ cao hơn 10.500m, khiến toàn bộ 225 người trên khoang thiệt mạng. Theo phân tích của cơ quan chức năng, thất bại trong công tác khắc phục hỏng hóc trên phần đuôi máy bay được thực hiện 22 năm trước là lý do khiến phi cơ đột ngột vỡ tung.
Chiếc Boeing 747 của hãng hàng không Japan Airlines năm 1985 cũng gặp vấn đề tương tự. Tai nạn xảy ra 7 năm sau khi phần đuôi được sửa chữa. Phi hành đoàn đã cố gắng để điều khiển máy bay trong khoảng 46 phút trước khi rơi. Vụ việc cướp đi sinh mạng của 520 trong tổng số 524 người có mặt trên khoang.
Đáp lại thông tin cho rằng cơ phó phàn nàn với gia đình về tình trạng kỹ thuật của máy bay trước khi cất cánh, ông Averianov quả quyết không có lưu ý nào như vậy trong nhật ký bay. Theo ông, việc chuyến bay khởi hành đúng giờ từ sân bay Sharm el Sheikh chứng tỏ nó không bị trì hoãn bởi bất kỳ vấn đề kỹ thuật nào.
Tuy vậy ông Averianov cũng lặp lại nhận định của một quan chức ngành giao thông Nga, cho rằng việc các mảnh vỡ phân bố trên khu vực rộng gần 20 km2 thể hiện máy bay đã vỡ tung ở một độ cao rất lớn.
Trước sự nhiễu loạn của nhiều nguồn thông tin khác nhau, ông Dmitry Peskov, người phát ngôn Tổng thống Nga Vladimir Putin, hôm qua nhấn mạnh "sẽ sai lầm nếu đưa ra mọi dự đoán sơ bộ hoặc thông báo bằng miệng mà không có căn cứ. Trước hết hãy để các nhà điều tra đưa ra ít nhất một vài kết quả".
"Khi các thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay chưa được đọc và quá trình điều tra về tình trạng thân máy bay chưa có kết quả thì chúng ta không thể loại bỏ bất cứ khả năng nào", ông Robert T. Francis, cựu phó chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ, nhận xét.
Vũ Hoàng