Chiếc máy bay mang số hiệu 7K9268 thuộc hãng hàng không giá rẻ Nga Kogalymavia (Metrojet) hôm 31/10 rơi trên bán đảo Sinai, Ai Cập, khiến toàn bộ 217 hành khách cùng 7 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Phi cơ gặp nạn sau khi cất cánh khoảng 23 phút từ sân bay Sharm el-Sheikh, Ai Cập, để về St Petersburg, Nga.
Ông Viktor Sorochenko, lãnh đạo Ủy ban Hàng không Liên bang Nga, hôm qua cho biết có khả năng máy bay đã vỡ tung giữa không trung.
"Quá trình máy bay bị phá hủy xảy ra ngay trên không và những mảnh vỡ phân bố rải rác trong một khu vực rộng khoảng 20 km2", Sorochenko nói. Tuy nhiên, ông cũng thêm rằng còn quá sớm để đi đến bất kỳ kết luận nào về nguyên nhân vụ tai nạn.
Dù tiết lộ trên giúp thu hẹp nhiều mối nghi vấn liên quan tới thảm kịch nhưng vẫn còn rất nhiều yếu tố khác có thể tác động tới máy bay, CNN dẫn lời ông Peter Goelz, cựu giám đốc điều hành Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ, nhận xét.
"Có thể là do hỏng hóc nghiêm trọng về máy móc xuất phát từ một vấn đề nào đó trong khâu bảo trì. Có thể là do bình nhiên liệu trung tâm phát nổ. Họ cần phải lật ngược toàn bộ lịch sử bảo dưỡng, sửa chữa của máy bay để rà soát tất cả những thay đổi được thực hiện từ trước đến nay", Goelz cho hay.
Theo Mạng lưới An toàn Hàng không (ASN), chuyên trang theo dõi các sự cố hàng không, chiếc Airbus 321 này vào năm 2001, khi còn thuộc về hãng Middle East Airlines, hạ cánh xuống sân bay Cairo nhưng mũi máy bay đã ngóc lên quá cao làm phần đuôi bị quệt xuống đường băng khiến nó hư hỏng nặng.
Xem thêm: Hiện trường vụ tai nạn máy bay Nga nhìn từ trên cao
Đột ngột biến mất
Hiện vẫn chưa rõ điều gì khiến chiếc phi cơ đột ngột biến mất khỏi màn hình radar kiểm soát.
Phát biểu trước các quan chức quân đội cấp cao ở thủ đô Cairo, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi nhắc nhở công chúng không nên quá vội vàng khi đưa ra kết luận bởi vụ việc đòi hỏi một quá trình điều tra lâu dài.
"Rất nhiều vấn đề phức tạp cần đến những công nghệ cao và các cuộc điều tra quy mô mà phải mất hàng tháng để xử lý", ông el-Sisi nói.
Theo Adel Al-Mahjoob, người đứng đầu Công ty Hàng không Ai Cập, vụ tai nạn nhiều khả năng là do trục trặc kỹ thuật. Ông cũng lưu ý rằng máy bay từng được kiểm tra định kỳ trước khi cất cánh.
Truyền thông Nga đưa tin phi công đã phát tín hiệu cấp cứu xin quyền hạ cánh tại sân bay gần nhất trước khi chiếc phi cơ biến mất, song cơ quan chức năng Ai Cập bác bỏ thông tin này.
Không có cuộc gọi khẩn cấp nào được ghi lại tại trung tâm điều hành bay, Bộ trưởng Hàng không Dân dụng Ai Cập Hossam Kamel khẳng định trong một cuộc họp báo.
"Không có gì bất thường trước khi máy bay rơi", ông nói. "Nó chỉ đột ngột biến mất khỏi màn hình radar".
Tuy nhiên, kênh truyền hình nhà nước NTV của Nga đã phỏng vấn vợ cũ của cơ phó Sergei Trukhachev là Natalya Trukhacheva . Bà cho hay con gái của hai người gọi cho Trukhachev trước khi ông lên đường và Trukhachev phàn nàn rằng "tình trạng kỹ thuật của máy bay không hoàn hảo".
Rơi khi đang trong chế độ tự động lái
Nhà phân tích hàng không Richard Quest cho rằng việc chiếc phi cơ rơi ngoài 20 phút sau khi khởi hành là điều khá "bất thường".
"Tại thời điểm này, máy bay đang đặt trong chế độ lái tự động. Nó chuẩn bị tiếp cận độ cao hành trình và rất ít sai sót có thể xảy ra", Quest viết.
Các nhà điều tra sẽ có cái nhìn cận cảnh vào điều gì đã diễn ra sau khi thông tin trong thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay và ghi âm buồng lái, hai hộp đen của máy bay, được trích xuất.
Thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay chứa hàng loạt thông tin quan trọng về máy bay như, tốc độ, độ cao, tình trạng động cơ hay vị trí cánh. Thiết bị ghi âm buồng lái thu lại toàn bộ âm thanh trong khoang điều khiển, bao gồm cả các cuộc đối thoại giữa cơ trưởng và cơ phó cũng như những âm thanh cảnh báo.
Hành khách vẫn thắt dây an toàn
Bán đảo Sinai, nơi máy bay rơi, là địa bàn của một chi nhánh Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Ai Cập. Tổ chức này hôm 31/10 tuyên bố đã bắn hạ chiếc phi cơ, cướp đi sinh mạng của 224 người có mặt trên khoang. Nhóm còn tung một đoạn video quay cảnh một máy bay chưa xác định bốc cháy giữa không trung để chứng minh.
Dù vậy, Mahjoob, một quan chức hàng không, lại nhận định không có bằng chứng cho thấy đây là kết quả của một cuộc tấn công khủng bố. Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nga Maxim Sokolov cũng nói không thể coi tuyên bố của nhóm phiến quân là đáng tin cậy.
Theo một quan chức quân đội Ai Cập giấu tên, các tay súng IS ở Sinai có sở hữu tên lửa đất đối không vác vai nhưng không thể bắn tới độ cao 9.450 m của máy bay 7K9268. Để đạt tới độ cao này cần một thiết bị phóng đặc biệt và hệ thống radar được vận hành bởi những kỹ sư có chuyên môn.
Thêm vào đó, hàng loạt thi thể nạn nhân khi được phát hiện vẫn thắt dây an toàn. Điều này cho thấy nhiều khả năng cơ trưởng đã yêu cầu họ làm vậy khi nhận ra máy bay gặp trục trặc.
Song, ông Peter Goelz vẫn nhấn mạnh "chưa thể loại bỏ nghi vấn khủng bố".
Trước nhiều luồng thông tin trái chiều, ba hãng hàng không của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) là Emirates, Air Arabia và Flydubai thông báo đã thiết lập một tuyến bay mới, tránh di chuyển qua bán đảo Sinai. Hai trong số các hãng hàng không lớn nhất châu Âu là Lufthansa và Air France cũng tuyên bố sẽ hạn chế bay qua khu vực trên trong thời gian chờ đợi lời giải thích cho nguyên nhân thảm kịch.
Video nghi ghi lại cảnh IS bắn hạ máy bay Nga
Xem thêm: Phần bị thiêu rụi của chiếc máy bay Nga xấu số
Vũ Hoàng