Khi nhiều chuyên gia cho rằng Nhà nước Hồi giáo (IS) khó có thể bắn hạ máy bay Nga vì không có vũ khí đủ sức mạnh để làm điều đó, và kết quả phân tích dữ liệu hộp đen sơ bộ cho thấy máy bay không bị tấn công từ bên ngoài, sự chú ý đang đổ dồn về giả thiết phi cơ bị đánh bom ở trên khoang.
Nhật báo Kommersant, một trong những tờ báo uy tín nhất của Nga, hôm qua trích dẫn các chuyên gia hàng không giấu tên nói rằng máy bay A321 của Airbus có thể bị phá hủy bởi "sự giảm áp do nổ của thân máy bay".
Kommersant so sánh vụ rơi máy bay Nga với vụ đánh bom năm 1998, khi phi cơ Pan Am 103 bay trên bầu trời Lockerbie, Scotland. Ngày 21/12/1988, máy bay mang số hiệu N739PA bị phá hủy bởi một quả bom khủng bố, khiến tất cả 243 hành khách và 16 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Mảnh vỡ rơi xuống khu dân cư ở Lockerbie, giết chết hơn 10 người trên mặt đất.
Một vụ nổ trong khoang hành lý có lẽ sẽ không đủ sức công phá để phá hủy máy bay, nhưng một quả bom trong khoang hành khách có thể gây ra các sóng xung kích, phá vỡ thân máy bay, tờ này viết.
Michel Polacco, chuyên gia hàng không trên France Info radio, nói rằng khủng bố là nguyên nhân khả năng nhất của vụ rơi máy bay.
"Máy bay bị vỡ rời trên không trung, tạo ra những mảnh vỡ như vậy thì chỉ có thể đến từ một tác động nghiêm trọng vào cấu trúc máy bay", và nhiều khả năng đó là một vụ nổ, ông Polacco nói.
"Có thể là nguyên nhân kỹ thuật, nhưng rất khó và hiếm khi xảy ra. Điều đó dẫn chúng ta đến suy đoán rằng khủng bố là nguyên nhân vụ việc, và một quả bom có thể có tác dụng như vậy", ông nói.
Charles Heyman, biên tập viên của ấn phẩm hàng năm Lực lượng Vũ trang Anh, cho biết hầu hết nhà phân tích quân sự đang nghiêng về phương án có vụ nổ trên máy bay.
Ông nói rằng ngay cả một quả bom rất nhỏ được giấu trong hành lý xách tay cũng sẽ có sức công phá khổng lồ ở độ cao như vậy vì khoang máy bay được điều áp (giữ cho áp suất không khí ở mức bình thường, giúp cho con người có thể thở được trong một không gian kín, khi áp suất bên ngoài cao hoặc thấp hơn áp suất ở bên trong).
Theo ông, việc phần sau của máy bay bị thiêu cháy càng ủng hộ giả thuyết rằng một quả bom đã khiến máy bay rơi. "Tôi nghĩ rằng các bằng chứng đang bắt đầu chỉ hướng tới khả năng đã có bom nhỏ trên khoang”.
Heyman nói rằng lo ngại về an ninh tại sân bay Ai Cập Sharm el-Sheikh cũng cho thấy nó dễ trở thành mục tiêu của một cuộc tấn công như vậy hơn các sân bay khác.
"Chúng tôi không biết các biện pháp đề phòng an ninh ở Sharm el-Sheikh nghiêm ngặt đến mức nào", ông nói.
"Hãy nhớ rằng có rất nhiều người làm việc trên máy bay, nên họ có thể tuồn vật cấm lên khoang, đặc biệt là trong khu vực Sinai, nơi IS hoành hành", Heyman nói.
Trong phiên tòa xét xử nghi phạm vụ đánh bom Lockerbie, Abdelbaset al-Megrahi khai quả bom được chuyển lên khoang qua một chuyến bay từ Luqa ở Malta để đến Frankfurt, bởi một người làm việc trong sân bay. Sau đó nó được chuyển từ Đức đến Heathrow, Anh và lên chiếc máy bay Mỹ xấu số.
Trước nhiều suy đoán của truyền thông, giới chức Nga nói rằng không thể loại trừ giả thiết nào. "Sẽ sai lầm nếu đưa ra mọi dự đoán sơ bộ hoặc thông báo bằng miệng mà không có căn cứ", Dmitry Peskov, người phát ngôn Tổng thống Nga Vladimir Putin, hôm qua nói. "Trước hết hãy để các nhà điều tra đưa ra ít nhất một vài kết quả".
Phương Vũ