Tôi tự hỏi là liệu mục đích thực sự của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là gì?
Và tôi đã tìm thấy đâu đó trên mạng với lý giải sau: "Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là một kỳ thi quan trọng trong hệ thống giáo dục Việt Nam và dành cho học sinh lớp 12. Mục đích của kỳ thi này là công nhận việc hoàn tất chương trình học phổ thông của học sinh và là điều kiện cần để tham dự tiếp kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng."
Và tôi tiếp tục tự hỏi, liệu đó có phải là mục đích chính không? Tôi không ủng hộ kỳ thi tuyển sinh riêng của các trường đại học tốn kém như trước kia lại không công bằng. Nhưng liệu kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông có thể dùng để xét cho việc dự tuyển đại học?
Lý giải trên giấy tờ là như trên, nhưng tôi thấy ở kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông tồn tại hai nhu cầu, hai ý muốn, hai mục đích khác biệt chứ không đơn giản như những gì bên trên giải thích.
>> Khi phòng tuyển sinh thành nơi 'bán hàng'
Thứ nhất, một phía từ Bộ Giáo dục thì muốn toàn bộ ngành có một kỳ thi khẳng định thành tích. Với thành tích tốt nghiệp cao, điểm số của học sinh phải cực cao, tỷ lệ tốt nghiệp cao nhất.
Với ý muốn này họ muốn hầu hết nếu không muốn nói là tất cả thí sinh kỳ thi phải có điểm số cao nhất bất chấp học lực, trình độ. Điều này làm cho họ có xu hướng ra đề dễ nhất có thể và ai cũng có thể làm được để đạt điểm số cao.
Thứ hai, một phía tới từ các trường đại học, họ muốn có một kỳ thi phân loại được học sinh để áp dụng cho việc tuyển sinh đại học. Điều này có nghĩa là năng lực của thí sinh phải đánh giá thực chất qua kỳ thi, làm tăng độ khó, độ phân loại của đề thi tăng lên. Như vậy tỷ lệ học sinh khá giỏi sẽ rất thấp, tỷ lệ trung bình tăng lên, tỷ lệ yếu kém cũng bị "hiện nguyên hình" sau kỳ thi.
Xét vể mục đích của hai phía tham gia sử dụng kết quả của kì thi đã có sự "đối nghịch" nếu không muốn nói là "triệt tiêu" nhau. Nếu đề thi đáp ứng được mục đích của ngành giáo dục, của bộ để lấy thành tích thì sẽ triệt tiêu mục đích của nhà tuyển sinh đại học.
Ngược lại nếu đặt mục tiêu tuyển sinh đại học thì chính kỳ thi này lại làm lộ những khuyết điểm của ngành giáo dục qua điểm số của kỳ thi sẽ khiến họ không hài lòng.
>> Đào tạo đại học và chuyện kỹ sư 'made in Việt Nam' bị cười cợt
Như vậy nếu toàn ngành giáo dục phổ thông vẫn muốn dùng kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để thể hiện thành tích của mình thì không khả dụng cho tuyển sinh đại học.
Nếu họ hy sinh kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho mục đích tuyển sinh đại học thì họ không chấp nhận. Vậy chi bằng trong một kì thi chúng ta ra hai bộ đề. Bộ đề chỉ phục vụ cho tốt nghiệp cho mục đích lấy thành tích của bộ cộng thêm một bộ đề cho những thí sinh muốn tuyển sinh đại học.
Các thí sinh làm cả hai bộ đề này và được chấm thành hai điểm số khác nhau. Một cho tốt nghiệp, một cho tuyển sinh đại học. Những thí sinh nào không có ý định tuyển sinh đại học có thể nộp giấy trắng và sẽ không bị chấm điểm.
Như vậy trong một kỳ thi, hai bộ đề, phục vụ cho hai mục đích như vậy vừa tiết kiệm, lại công bằng, không nhùng nhằng và có thêm các phương pháp so sánh đánh giá khác từ đó có thêm một cơ hội để so sánh năng lực của thí sinh qua sự chênh lệch giữa hai điểm số trên và chênh lệch với điểm học bạ.
Tuệ
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây