Các bạn ở Australia hay châu Âu thì đều biết rằng công dân được cấp thẻ bảo hiểm y tế và được miễn giảm phí chữa trị. Ở Mỹ thì khác. Mỹ là nước phát triển nhưng không có hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân dân. Ai có nhu cầu thì tự mua bảo hiểm. Chương trình Medicare là chương trình chăm sóc sức khỏe duy nhất do chính phủ tài trợ, nhưng bạn phải là người cao tuổi, tàn tật, trẻ em, hay là người nghèo phải nuôi trẻ em thì mới được hưởng chế độ này.
Và vì vậy một lượng lớn người trong tuổi lao động ở Mỹ không có bảo hiểm. Bảo hiểm thường được mua từ công ty nơi bạn làm việc, và một người có thể mua cho cả gia đình. Các gia đình Việt ở Mỹ vì vậy hay có cảnh chồng làm công nhân hãng lớn, vợ là nghề thẩm mỹ hay buôn bán tự do. Một bên thì kiếm bảo hiểm là chủ yếu, bên kia lo kiếm tiền. Chị họ tôi thường hay nói, nhà hai vợ chồng mà đều làm hãng thì cả hai phải là kĩ sư mới sống nổi.
Tự mua bảo hiểm cho bản thân là một việc tốn kém đầy đau khổ. Ngày trước thì trước tiên bạn phải nộp đơn, rồi thì họ hỏi xem bạn có tiền sử bệnh tật gì không, nếu có gì nghiêm trọng thì không mua được. Giá cả thì trên trời mà bảo hiểm chi trả rất ít. Bản thân tôi cũng lâm vào tình trạng này khi tôi bỏ công việc để đi học luật.
Khi đó tôi phải trả 250 đôla mỗi tháng để mua một gói bảo hiểm chỉ dùng khi gặp đại nạn. Nói chung mỗi năm phải tự mình bỏ ra chừng 5.000 đôla rồi thì bảo hiểm mới bắt đầu chi trả cho các chi phí nằm viện, còn đi khám bệnh thì không. Mấy năm đó may mà tôi không việc gì, những khi đau họng sổ mũi thì hay đi bác sĩ Việt Nam. Các bác sĩ đó thông cảm cho đồng hương, chỉ lấy chưa tới 100 đôla cho mỗi lần khám và viết cho cái đơn đi mua kháng sinh. Nhà thuốc Việt Nam thấy người không có bảo hiểm chi trả nên xót xa, lấy giá rẻ. Tôi được chăm sóc như vậy trong vài năm. May mà có ông bà phù hộ nên mấy năm đó không bệnh nặng.
Khả năng chăm sóc y tế của Mỹ là rất cao cường, nhưng nó chỉ cao cường với những người có tiền hay bảo hiểm. Còn không có tiền thì chi phí y tế là một nỗi sợ lớn cho người Mỹ. Một trong những nguyên nhân gây phá sản hàng đầu ở Mỹ là hóa đơn y tế. Một cái chân gãy phải 20.000 đôla là ít, sinh nở cũng 20.000 đôla nếu không có bảo hiểm.
Ở một mặt khác, nguồn cung y tế lại hơi thừa và các bác sĩ đôi khi cố gắng bắt những người không bệnh nặng vào chữa trị vì họ có bảo hiểm. Một lần mẹ tôi bị bệnh, có bảo hiểm nên dù không quá nặng cũng bị bắt vào viện. Họ giữ rịt lấy mẹ tôi suốt 5 ngày dù sức khỏe đã tiến triển nhiều, cứ đem bà ra chụp chiếu đủ kiểu dù đã có chẩn đoán ngay từ đầu.
Đạo luật Obamacare ra đời nhằm giải quyết vấn đề này. Nó yêu cầu mọi người phải mua bảo hiểm, các công ty bảo hiểm phải bán mà không được hỏi lịch sử bệnh tật, còn ai thu nhập thấp thì có thể xin nhà nước trợ giúp. Chương trình nay giúp cho nhiều người mua bảo hiểm nhưng vẫn còn hơn 20 triệu không chịu mua, họ là những quả bom nổ chậm trong thời kì dịch bệnh.
Hiện giờ thì nhiều người đang suy đoán xem điều gì sẽ xảy ra khi dịch Covid-19 tới Mỹ mà nhiều người thì không có bảo hiểm. Bước đầu thì mấy người bị bệnh vẫn sẽ cố đi làm, lây nhiễm cho người khác. Sau đó nặng quá họ sẽ phải vào phòng khám khẩn cấp ở bệnh viện, nơi không được đuổi bệnh nhân đi khi họ không có bảo hiểm, và khiến cho bệnh viện đầy người bệnh. Nếu được chữa trị thì những người này cũng sẽ chẳng có tiền đâu mà trả, vậy bệnh viện sẽ làm gì? Quốc hội mới thông qua một gói chi tiêu 8 tỷ đôla Mỹ, không biết có phần nào để dùng trả cho bệnh viện khi họ phải chữa trị cho người mắc dịch hay không?
Tối hôm qua là ngày siêu thứ ba, 14 bang của Mỹ tổ chức bầu cử sơ bộ để chọn ứng cử viên Dân Chủ ra tranh chức tổng thống với ông Trump. Trước ngày này thì ông Sanders, có quan điểm là cần phải có Medicare cho mọi người, đang dẫn đầu. Sau ngày thứ ba thì ông Biden có quan điểm giữ nguyên hệ thống chăm sóc y tế thắng thế. Vậy mà thị trường chứng khoán đang ốm yếu bỗng tăng giá trở lại, bởi vì mấy công ty bảo hiểm y tế cảm thấy hi vọng trở lại. Trước đó thì ai cũng e là ông Sanders sẽ thắng và đem Medicare cho mọi người, các công ty bảo hiểm sẽ dẹp tiệm.
Hệ thống bảo hiểm và chi trả chi phí y tế của Mỹ rất rắc rối, nhưng nó là động cơ tài chính của nền y khoa tiến bộ nhất thế giới. Tiền nằm ở trung tâm bộ máy này và là chủ đề tranh cãi quanh năm của người Mỹ. Nó cho thấy nghịch lí của hệ thống chăm sóc y tế nước Mỹ, giống như những người vô gia cư tụ tập bên bậc tam cấp của một căn biệt thự. Dịch Covid-19 hoàn toàn có thể tạo ra rất nhiều người vô gia cư kéo tới cổng căn biệt thự có tên bệnh viện của Mỹ. Khi đó thì người Mỹ cũng sẽ khổ sở như mọi nước khác mà thôi.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.