"Tôi muốn nhấn mạnh rằng mọi nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng bằng biện pháp cưỡng ép là không thể chấp nhận được", Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nishida Yasunori phát biểu tại hội nghị trực tuyến Chính sách An ninh Diễn đàn Khu vực ASEAN (ASPC) tại Hà Nội hôm nay.
"Chúng ta đã chứng kiến nhiều sự kiện ở Biển Đông như sự xuất hiện của hai trạm nghiên cứu và đơn vị hành chính mới, cũng như vụ tàu cá Việt Nam bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm. Nhật Bản đặc biệt quan ngại với những diễn biến trên Biển Đông", ông Yasunori nói thêm.
ASPC được tổ chức lần đầu năm 2004, với sự tham gia của quan chức quốc phòng cấp cao các nước trong khuôn khổ Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), gồm 10 nước ASEAN và các quốc gia đối tác như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ. Việt Nam chủ trì hội nghị ASPC năm nay với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng các điểm nóng vẫn tiếp tục tồn tại và gây quan ngại ở nhiều khu vực trên thế giới, dù các nước đang tập trung ứng phó với Covid-19.
"Có nhiều thách thức khiến chúng ta quan ngại trong khu vực như an ninh mạng, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và an ninh biển, trong đó Biển Đông là một trong những điểm nóng của khu vực", ông Vịnh nói.
Thứ trưởng Vịnh cho rằng các nước cần sự hợp tác rộng lớn, xây dựng lòng tin, bày tỏ thiện chí để giải quyết mọi vấn đề an ninh trong khu vực trên cơ sở luật pháp quốc tế, bằng biện pháp hòa bình với tinh thần thiện chí vì lợi ích của quốc gia, cũng như khu vực và trên thế giới.
Hội nghị ASPC năm nay xoay quanh chia sẻ quan điểm về tình hình thế giới và khu vực, cũng như vai trò của hợp tác quốc phòng trong và sau đại dịch Covid-19. Hội nghị nhằm nâng cao vai trò của hợp tác quốc phòng trong ARF, củng cố kết nối giữa ARF và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+).
ASPC mong muốn đẩy mạnh hợp tác xây dựng lòng tin trong giới quân sự thuộc khuôn khổ ARF, cũng như mở các kênh đối thoại và trao đổi giữa quan chức quốc phòng, nhà ngoại giao và chuyên gia nghiên cứu các nước.
Trung Quốc gần đây thực hiện một loạt hoạt động gây hấn ở Biển Đông trong bối cảnh các nước tập trung đối phó với Covid-19. Bắc Kinh điều tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sau đó bám theo tàu khoan của Malaysia. Tàu hải cảnh Trung Quốc cũng đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam. Bắc Kinh còn đơn phương tuyên bố thành lập các đơn vị hành chính ở Biển Đông, đặt tên cho các thực thể và cấm đánh bắt cá.
Trung Quốc hồi đầu tháng 7 tiến hành cuộc tập trận trái phép tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Việt Nam đã trao công hàm phản đối cuộc tập trận phi pháp của Trung Quốc, yêu cầu nước này không lặp lại những hành vi tương tự trong tương lai.
Vũ Anh