"Các hoạt động thăm dò, khảo sát và nghiên cứu khoa học tại các vùng biển của Việt Nam được xác định theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) phải được sự đồng ý của Việt Nam theo đúng quy định công ước này", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói trong họp báo chiều nay.
Tuyên bố được bà Hằng đưa ra khi được hỏi về thông tin tàu thăm dò Hải dương Địa chất 4 của Trung Quốc đi vào Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
"Tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia và các quy định của UNCLOS có ý nghĩa quan trọng đối với duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển ở Biển Đông, trong khu vực cũng như trên thế giới", bà Hằng nói thêm.
Theo quy định tại Điều 56 và 77.1 của UNCLOS, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền trong việc thăm dò, khai thác tài nguyên và quyền tài phán tại EEZ và thềm lục địa. Các quốc gia thành viên của UNCLOS, trong đó có Trung Quốc, chỉ được phép thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học biển khi có sự đồng ý từ trước của nước ven biển liên quan.
Trước đó, trang tin Benar News của Philippines dẫn dữ liệu theo dõi tàu thuyền cho biết tàu thăm dò Hải dương Địa chất 4 của Trung Quốc đã đi vào EEZ của Việt Nam ngày 14-16/6, có thời điểm cách bờ biển Việt Nam chỉ 200 hải lý và cách đảo Phú Quý của Việt Nam khoảng 182 hải lý. Tàu Hải Dương 4 chỉ đi một mình, dù một tàu hải cảnh Trung Quốc được phát hiện gần đó.
Trung Quốc gần đây thực hiện một loạt hoạt động gây hấn ở Biển Đông trong bối cảnh các nước tập trung đối phó với Covid-19. Bắc Kinh điều tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sau đó bám sát tàu khoan của Malaysia. Tàu Trung Quốc cũng đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam. Bắc Kinh còn đơn phương tuyên bố thành lập các đơn vị hành chính ở Biển Đông, đặt tên cho các thực thể và cấm đánh bắt cá.
Việt Nam đã nhiều lần lên án hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 14/5, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhắc lại lập trường Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền với Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Vũ Ngọc