Quan chức an ninh quốc gia giấu tên trong nội các Nhật Bản hôm nay cho biết chính phủ nước này dự kiến phê duyệt bổ sung điều khoản mới vào quy định xuất khẩu thiết bị quân sự hiện hành.
"Động thái sẽ cho phép Nhật Bản xuất khẩu những vũ khí tự sản xuất trong nước theo giấy phép cho chính quốc gia sở hữu bản quyền loại khí tài đó. Về lý thuyết, quy định mới sẽ mở đường để bán tên lửa phòng không Patriot PAC3 cho Mỹ", quan chức này nói.
Nhật Bản đang tự sản xuất tên lửa PAC3 theo giấy phép từ nhà phát triển Lockheed Martin của Mỹ. Việc bán các hệ thống Patriot cho Mỹ sẽ đánh dấu lần đầu Nhật Bản xuất khẩu vũ khí sát thương kể từ khi Thế chiến II kết thúc.
![Bệ phóng tên lửa Patriot PAC3 của Nhật Bản tại căn cứ Misawa hồi năm 2017. Ảnh: USAF](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/12/22/PAC3-1-JPG-6596-1703233540.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=fCkJDzjSgzHsvHbaKeBXYA)
Bệ phóng tên lửa Patriot PAC3 của Nhật Bản tại căn cứ Misawa hồi năm 2017. Ảnh: USAF
Truyền thông Nhật Bản tuần này dẫn lời quan chức cấp cao trong đảng Dân chủ Tự do cầm quyền nói rằng kế hoạch xuất khẩu tên lửa PAC3 được tiến hành theo đề nghị từ Mỹ.
Các quan chức Mỹ giấu tên trước đó tiết lộ Tổng thống Joe Biden đã đặt vấn đề chuyển giao tên lửa Patriot với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong cuộc gặp hồi tháng 8, cũng như hội nghị cấp cao APEC tại San Francisco tháng 11.
Mỹ ngày càng trông đợi vào nguồn cung vũ khí hiện đại từ các đồng minh để lấp chỗ trống trong kho dự trữ và bảo đảm nguồn viện trợ cho Ukraine, trong bối cảnh sự phản đối của các nghị sĩ Cộng hòa tại quốc hội Mỹ làm dấy lên nghi ngờ về khả năng duy trì viện trợ của Washington trong lúc Kiev đang chuẩn bị cho mùa đông thứ hai trong chiến sự.
Nhật Bản từng cấm hoàn toàn xuất khẩu thiết bị quân sự ra nước ngoài, nhưng bắt đầu nới lỏng quy định từ năm 2014. Ngành công nghiệp quốc phòng của Tokyo có quy mô nhỏ hơn nhiều so với Washington, do khách hàng duy nhất là quân đội Nhật Bản, và giá trị thị trường ước tính khoảng 20 tỷ USD, ít hơn doanh thu hàng năm của một số tập đoàn quốc phòng Mỹ.
Vũ Anh (Theo AFP)