Mới nhất, một bệnh viện đã bỏ khoảng 1.000 liều vaccine Pfizer vì tiếp xúc với nhiệt độ phòng. Được điều chế bằng công nghệ mRNA, vaccine của Pfizer cần được bảo quản trong tủ đông siêu lạnh. 12 liều khác bị vứt bỏ tại một điểm tiêm chủng ở Tokyo do pha loãng quá mức.
Bệnh viện Quốc gia Omuta ở quận Fukuoka cũng từng lên tiếng xin lỗi vì bỏ phí vaccine: "Chúng tôi vô cùng hối tiếc khi phải vứt bỏ lượng vaccine quý giá do xử lý yếu kém, trong khi nhiều người dân địa phương muốn được tiêm chủng". Hiện chưa rõ cơ sở này vứt đi bao nhiêu liều vaccine.
Chưa đầy 50 ngày trước Thế vận hội Olympic, Nhật Bản tiêm ít nhất một liều vaccine cho khoảng 9% dân số. Nước này sẽ bắt đầu tiêm chủng cho các doanh nghiệp và trường học kể từ ngày 21/6, nhằm đẩy nhanh tốc độ triển khai vốn bị đánh giá là chậm chạp.
Trong cuộc họp Quốc hội hôm 1/6, Thủ tướng Yoshihide Suga cho biết: "Chúng tôi làm tất cả những gì có thể để tăng tốc tiêm phòng". Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành việc tiêm chủng cho người từ 65 tuổi trở lên vào cuối tháng 7.
Trước những lời chỉ trích về việc không mua đủ vaccine từ nước ngoài, Nhật Bản đã xây dựng chiến lược quốc gia dài hạn về phát triển vaccine nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu, sản xuất trong nước.
"Từ quan điểm xử lý khủng hoảng, việc thiết lập một hệ thống cho phép phát triển, sản xuất và quản lý vaccine là vô cùng quan trong", ông Suga phát biểu tại một cuộc họp hội đồng chính phủ.
Kể từ khi thế giới khởi động chương trình tiêm chủng lớn nhất lịch sử, hàng triệu liều vaccine Covid-19 đã bị vứt bỏ do hết hạn hoặc xử lý sai tiêu chuẩn. Tháng 4, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết 25% lượng vaccine AstraZeneca, 20% vaccine Moderna và khoảng 7% lượng vaccine Pfizer tại nước này bị bỏ phí. Tổng cộng, Pháp vứt bỏ 1,25 triệu trong số 5 triệu liều vaccine đã mua.
Quốc gia châu Phi Malawi cũng phải tiêu hủy 20.000 liều vaccine AstraZeneca hết hạn, dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết chúng vẫn còn sử dụng được.
Một quan chức Hong Kong hồi tháng 5 đã cảnh báo có thể đặc khu phải vứt bỏ hàng triệu liều vaccine Pfizer do không tiêm kịp cho người dân. 15 triệu liều vaccine Johnson & Johnson từng bị hỏng trong một sự cố từ nhà máy sản xuất.
Ở Mỹ, tỷ lệ vaccine bỏ phí khá thấp. Tính đến 24/5, khoảng 0,44% trong số hơn 353 triệu liều vaccine bị vứt đi.
Thục Linh (Theo Reuters)