Người này tiêm vaccine hôm 26/2, bị nghi ngờ xuất huyết não ba ngày sau đó. Đây là trường hợp tử vong sau tiêm vaccine Covid-19 đầu tiên được báo cáo tại Nhật Bản. Nhà chức trách đang điều tra mối liên hệ giữa tiêm vaccine và nguyên nhân tử vong, song nhận định ban đầu "vaccine chưa chắc là nguyên nhân gây ra cái chết".
"Xuất huyết não là tình trạng tương đối phổ biến ở người từ 40 đến 60 tuổi. Tại thời điểm này, dựa trên các trường hợp khác ở nước ngoài, dường như không có mối liên hệ nào giữa vaccine Covid-19 và xuất huyết não. Đây có thể là trùng hợp ngẫu nhiên, song cần thu thập thêm thông tin và đưa ra đánh giá trong lần tới", Bộ Y tế dẫn lời Tomohiro Morio, cố vấn chính phủ.
Phía Pfizer Nhật Bản chưa đưa ra bình luận. Hồi tháng 11 năm ngoái, hãng cho biết hiệu quả của vaccine nhất quán giữa các nhóm độ tuổi và chủng tộc. Các liều tiêm không để lại tác dụng phụ nghiêm trọng, đủ để tiêm phòng rộng rãi trên toàn thế giới.
Giới chức y tế toàn cầu luôn ca ngợi sự phát triển nhanh chóng của vaccine Covid-19, song cảnh báo người có bệnh nền hoặc tình trạng dị ứng nên đi khám trước khi tiêm.
Nhật Bản là nước cuối cùng trong nhóm G7 bắt đầu tiêm chủng Covid-19, từ ngày 17/2. Đến nay, chính phủ đã tiếp nhận ba lô vaccine từ Pfizer-BioNTech. Nhật phê duyệt vaccine Pfizer vào tháng trước để đẩy mạnh nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic vào mùa hè.
Giới chức Nhật Bản thận trọng phê duyệt và phân phối vaccine Covid-19 bởi các vụ bê bối trong quá khứ khiến người dân mất niềm tin vào tiêm chủng. Vaccine do Pfizer (Mỹ) phối hợp BioNTech (Đức) nghiên cứu phát triển, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trong những tháng cuối năm 2020 tại khoảng 150 địa điểm ở Mỹ, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Brazil và Argentina. Ngày 19/11, Pfizer tuyên bố vaccine hiệu quả 95%. Nhật Bản đã tiến hành độc lập một thử nghiệm lâm sàng trong nước, có khoảng 160 người tham gia, sau đó mới cấp phép cho vaccine này.
Thục Linh (Theo Reuters)