Bác sĩ Linh là Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, đội trưởng Đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy tới chi viện, điều trị các bệnh nhân nặng tại Bắc Giang. Anh cũng từng tham gia điều trị bệnh nhân tại Đà Nẵng trong đợt dịch tháng 7-8/2020.
Theo bác sĩ Linh, đợt dịch tại Bắc Giang chứng kiến số lượng bệnh nhân trẻ nhiều hơn, bị tổn thương phổi nhanh hơn, phổi trắng xóa chỉ sau vài ngày, diễn biến nặng rất nhanh. Các bệnh nhân ở Đà Nẵng năm 2020, trẻ nhất cũng đã 40 tuổi, hầu như không có triệu chứng và phổi rất ít tổn thương.
Hiện nay virus đã biến chủng, có tốc lộ lây lan nhanh khiến cho số lượng người mắc tăng cao hơn, từ đó số bệnh nhân nặng cũng tăng lên. Một bệnh nhân nữ 38 tuổi đã tử vong dù không có bệnh nền.
Do đó, công tác điều trị trở nên vất vả, hồi sức tích cực khó khăn hơn. Y bác sĩ thay nhau theo dõi sát tình trạng người bệnh, chủ động can thiệp khi có diễn biến bất thường.
"Bệnh nhân trẻ, thầy thuốc càng phải cố gắng cứu được, kiên quyết không để tử vong", bác sĩ Linh cho biết.
Nhóm điều trị tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang đã tiếp nhận 3 ca phải thở máy, lọc máu liên tục và 7 ca thở oxy dòng cao HFNC. Trong đó, có một người bệnh chuyển viện từng tiên lượng xấu, chỉ định ECMO (hệ thống oxy hóa màng ngoài cơ thể) song bệnh đã đỡ sau khi được lọc máu và đặt nội khí quản.
Bệnh viện Phổi Bắc Giang tiếp nhận các bệnh nhân phải thở oxy từ bệnh viện dã chiến chuyển đến, chia sẻ điều trị bệnh nhân nặng với Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang. Toàn tỉnh đang có 61 người tiến triển nặng, 30 người tiên lượng nguy kịch, khoảng 2.300 bệnh nhân đang điều trị tại 10 cơ sở.
Bắc Giang đã chuẩn bị 15 khu cách ly, điều trị cho bệnh nhân dương tính, đang hoạt động 14/15 khu với công suất dự kiến 4.197 giường. Sắp tới, tỉnh sẽ triển khai Trung tâm Hồi sức tích cực ICU 2 tại Bệnh viện Tâm thần, quy mô 100 giường.
Chi Lê - Thùy An