Tôi đã từng mua bảo hiểm nhân thọ tại ngân hàng cách đây vài năm. Thú thật là khi nghe nhân viên ngân hàng tư vấn, họ chỉ nói nội dung chung chung chứ không phân tích cho tôi hiểu cặn kẽ về từng điều khoản cụ thể trong hợp đồng.
Điều mà họ muốn tôi hiểu là: Mua bảo hiểm nhân thọ rất có lợi cho tương lai, vừa có thể đóng tiền theo từng năm chứ không phải đóng một khoản tiền lớn. Khi có bệnh phải nằm viện điều trị nội trú thì được bảo hiểm chi trả cao hơn so với bảo hiểm y tế. Nếu không phải đi viện thì số tiền nộp cho bảo hiểm vẫn có lãi cao hơn là gửi tiết kiệm.
Khi nhận hợp đồng bảo hiểm về, tôi cũng không đọc vì hợp đồng dày mấy chục trang cùng các từ ngữ diễn giải khó hiểu. Rất may mắn là sau 9 năm mua bảo hiểm, tôi chưa phải đi bệnh viện lần nào nên cũng chưa sử dụng đến.
Thời gian gần đây, có nhiều khách hàng gửi đơn khiếu nại về các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thì tôi mới giật mình nghĩ lại là mình đã quá chủ quan khi ký hợp đồng, không tìm hiểu cặn kẽ, chỉ tin tưởng hoàn toàn vào nhân viên tư vấn bảo hiểm ở ngân hàng.
Tôi nghĩ rằng, có rất nhiều khách hàng cũng giống như tôi, chỉ nghe tư vấn là mua chứ không có kiến thức gì về lĩnh vực bảo hiểm, không biết được điều khoản nào trong hợp đồng sẽ bất lợi cho mình. Bản thân khách hàng cũng không hiểu hết được ý nghĩa của cái sản phẩm đấy, đôi khi nó không đúng với nhu cầu của khách hàng, khách hàng mua cho xong, mua theo gợi ý của nhân viên tín dụng để cho được việc của mình.
Bộ Tài chính đang chấn chỉnh các hãng bảo hiểm. Trước đó, trong dự thảo Thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, ngân hàng bán chéo bảo hiểm phải ghi âm, lưu lại trong 5 năm toàn bộ nội dung đã tư vấn cho khách hàng.
Đối với các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện kiểm tra độc lập nội dung cung cấp thông tin và tư vấn của nhân viên tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trước khi quyết định phát hành hợp đồng. Trong đó, phải có nội dung để kiểm tra việc khách hàng tham gia sản phẩm bảo hiểm là trên cơ sở tự nguyện.
Bên cạnh đó, dự thảo yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện kiểm tra định kỳ nhằm đảm bảo chất lượng tư vấn bảo hiểm của các nhân viên ngân hàng. Các doanh nghiệp cũng phải phối hợp với ngân hàng để rà soát, xử lý khiếu nại của khách hàng liên quan đến việc tư vấn của nhân viên ngân hàng và xử lý sai phạm nếu có.
Hầu hết ngân hàng thương mại hiện nay đều đứng ra bán bảo hiểm nhân thọ cho các công ty bảo hiểm. Việc bán bảo hiểm ngày càng được đẩy mạnh để tăng thu nhập cho ngân hàng. Tuy nhiên, thời gian qua, để đạt doanh số bán bảo hiểm được giao, đã xuất hiện hiện tượng nhiều nhân viên ngân hàng không trung thực khi tư vấn cho khách hàng.
Có không ít ngân hàng, trước khi giải ngân khoản vay cho khách hàng đã yêu cầu khách hàng phải mua bảo hiểm. Thậm chí, nhiều ngân hàng còn đưa ra điều kiện mua bảo hiểm là điều kiện bắt buộc để giải ngân khoản vay cho khách hàng. Thực trạng "bắt ép" khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn là hiện tượng đáng báo động và cần thiết phải có biện pháp răn đe. Do đó, dự thảo đã kịp thời đưa ra lời cảnh báo cho nhân viên ngân hàng khi thực hiện hoạt động bán bảo hiểm.
Ngoài ra, trong quá trình tư vấn, nhiều nhân viên ngân hàng không tư vấn đúng, đầy đủ khiến khách hàng hiểu nhầm về sản phẩm bảo hiểm. Bởi vậy, bên cạnh việc ghi âm tư vấn bảo hiểm, định kỳ công ty bảo hiểm và ngân hàng sẽ thực hiện đối chiếu dữ liệu, kiểm tra chất lượng tư vấn để kịp thời xử lý khiếu nại cũng như vi phạm nếu có.
Tôi cho rằng, dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm đưa ra quy định để khắc phục các vấn đề trên là cần thiết. Đây là một trong những biện pháp để giảm thiểu tình trạng ép khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, khi đi làm các dịch vụ về tín dụng, ngân hàng, tài chính ở các tổ chức tín dụng, và tư vấn một cách không đầy đủ, không trung thực về sản phẩm bảo hiểm.
Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo quy định rõ hơn các nội dung trên để tạo thuận tiện cho quá trình thực hiện. Cụ thể, quy định về việc phải ghi âm toàn bộ nội dung tư vấn và lưu trữ trong thời hạn ít nhất 5 năm thì các doanh nghiệp sẽ phải thực hiện ghi âm toàn bộ quá trình tư vấn trực tiếp tại trụ sở của công ty bảo hiểm, ngân hàng bán bảo hiểm, không tư vấn qua điện thoại, qua tin nhắn, email như hiện nay.
Nội dung ghi âm phải được gửi cho khách hàng cùng lưu. Việc này càng làm rõ tính minh bạch của quá trình tư vấn hợp đồng và cũng là cách để đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Việc ghi âm cũng góp phần không nhỏ vào việc tạo tâm lý yên tâm cho khách hàng, đồng thời người tư vấn phải tự nâng cao ý thức trách nhiệm trong lời tư vấn của mình.
Việc doanh nghiệp bảo hiểm phải kiểm tra độc lập nội dung tư vấn, trước khi phát hành hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư, sẽ được thực hiện theo hình thức gặp trực tiếp; các nội dung kiểm tra cần đưa ra nội dung câu hỏi cụ thể; việc kiểm tra này cần lưu lại biên bản, hồ sơ.
Các cơ quan chức năng có thẩm quyền định kỳ hằng năm cần có cuộc thanh tra toàn diện các công ty bảo hiểm, nội dung các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã ký kết với khách hàng. Và nếu phát hiện hợp đồng nào không đúng thì cần tuyên vô hiệu hóa hợp đồng, trả tiền cho các khách hàng và cũng truy thu cả với những tư vấn viên tư vấn sai nhưng vẫn đút túi tiền hoa hồng. Cần phải có chế tài nghiêm khắc thì quyền lợi của khách hàng mới được đảm bảo.
Tuy nhiên thì chúng ta cần phải áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ cùng một lúc chứ không phải chỉ có một biện pháp như dự thảo. Và tôi nghĩ rằng một trong những biện pháp cần phải làm quyết liệt hơn, đấy là nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng tư vấn của các nhân viên tư vấn bảo hiểm nhân thọ.
Vũ Thị Minh Huyền
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.