Nội dung này được đề cập trong dự thảo Thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến.
Đồng thời, với các loại bảo hiểm liên kết đầu tư được bán chéo qua kênh ngân hàng (bancassurance), doanh nghiệp bảo hiểm phải kiểm tra độc lập nội dung tư vấn của nhân viên ngân hàng trước khi phát hành hợp đồng. Doanh nghiệp bảo hiểm phải xác nhận việc khách hàng tham gia sản phẩm bảo hiểm là tự nguyện, dự thảo quy định.
Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng yêu cầu tài liệu giới thiệu sản phẩm phải bảo đảm phản ánh trung thực các thông tin cơ bản, không được cung cấp thông tin không rõ ràng, tạo cho bên mua bảo hiểm kỳ vọng và hiểu lầm.
Tài liệu phải thể hiện rõ đây là sản phẩm bảo hiểm được cung cấp bởi doanh nghiệp bảo hiểm. "Việc tham gia sản phẩm bảo hiểm không phải là yêu cầu bắt buộc để thực hiện hay hưởng một dịch vụ nào khác của đối tác phân phối", Bộ Tài chính đề xuất quy định này.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp bảo hiểm cũng được yêu cầu định kỳ kiểm tra chất lượng tư vấn của các nhân viên ngân hàng, phối hợp với nhà băng để xử lý các khiếu nại của khách hàng.
Đây là những nội dung cụ thể của Bộ Tài chính nhằm quản lý hoạt động bán chéo bảo hiểm trong bối cảnh kênh bancassurance ngày càng nở rộ. Nhiều khách hàng thường xuyên phản ánh việc bị nhân viên ngân hàng ép mua bảo hiểm nhân thọ kèm khoản vay. Trong bối cảnh room tín dụng hạn hẹp, nhiều nhà băng trên thị trường càng đẩy mạnh chủ trương giải ngân khoản vay kèm điều kiện mua bảo hiểm nhân thọ tương đương 3-4% giá trị khoản vay.
Nói với VnExpress, chuyên gia Trần Nguyên Đánh đánh giá có những ngân hàng vẫn đang làm tốt việc bán chéo nhưng việc giới nhà băng mượn vị thế "cầm đăng chuôi" để ép khách mua bảo hiểm diễn ra rất phổ biến. Để chấn chỉnh vấn nạn này, theo chuyên gia Trần Nguyên Đán, pháp luật cần quy định rõ - những hành vi cụ thể nào được xem là "ép" khách hàng mua bảo hiểm.
Chuyên gia cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng và trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước - đơn vị quản lý trực tiếp các ngân hàng thương mại với tình trạng này. Để "gạn đục khơi trong" kênh bancassurance, theo ông Đán, cần sự quyết tâm và vào cuộc đồng thời của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính.
Quỳnh Trang