Ngày 26/5/1994, Trương Tuấn Thành, 18 tuổi, quê Sơn Tây lần đầu đặt chân tới Bắc Kinh. Sau 26 ngày huấn luyện khóa đào tạo nhân viên bảo vệ, anh được phân công làm việc tại cổng phía tây Đại học Bắc Kinh, ngôi trường danh tiếng hàng đầu Trung Quốc.
Trương sinh ra trong gia đình nghèo khó, bố mẹ và anh chị đều không biết đọc, biết viết. Là con út nên Trương được học lên cấp 2 nhưng phải bỏ học giữa chừng vì không có tiền đóng học phí. Ở quê, anh cùng với anh trai làm đủ nghề để kiếm sống, từ công nhân thời vụ trong mỏ sắt, xưởng sản xuất phụ tùng ô tô. Dù vậy Trương luôn khao khát được đến thành phố học hỏi cái mới. Năm 1994, cơ hội đến khi anh được giới thiệu đi đào tạo và làm việc tại Bắc Kinh.
Khóa đào tạo nhân viên bảo vệ dài 26 ngày nhưng cường độ tập luyện rất gian khó, nhiều người đã bỏ cuộc. Lãnh đạo công ty nói, thành tích cá nhân sẽ quyết định việc một người sẽ được phân công đến đơn vị nào. Kết thúc khóa huấn luyện, thành tích của Trương đứng đầu 500 người và được phân về làm bảo vệ cho Đại học Bắc Kinh.
Trương Tuấn Thành luôn hãnh diện vì điều này. Anh nói với đồng nghiệp rằng trường tốt nhất của Trung Quốc là Đại học Bắc Kinh, nơi có những thạc sỹ và sinh viên hạng nhất. "Bởi vậy cũng nên có những nhân viên bảo vệ hạng nhất", Trương nói.
Làm việc chăm chỉ và nhận được nhiều lời khen khiến chàng trai trẻ có động lực làm việc. Tuy vậy, một sự cố bất ngờ ập đến. Tiếng Anh của Trương không tốt, chỉ biết nói "xin chào, xin lỗi, tạm biệt". Một lần, có vài khách nước ngoài muốn tham quan trường nhưng vì không hiểu họ nói gì nên Trương chặn từ ngoài cửa. Tức giận, mấy người này bĩu môi rồi giơ ngón tay thối ra chọc tức Trương. Vừa xấu hổ, vừa đau lòng, Trương gọi điện cho mẹ, đòi về quê.
"Ở thành phố con đã thành danh như mong muốn chưa?", người mẹ hỏi ngược lại. Lời nói của mẹ như thức tỉnh anh. Ca trực đêm đó, Trương không ngừng suy nghĩ bản thân nên làm gì để thay đổi cuộc sống. Sáng hôm sau, anh ra hiệu sách mua hai cuốn sách giáo khoa tiếng Anh cho cấp trung học cơ sở và bắt đầu tự học. "Muốn thay đổi chỉ có học tập", Trương tự nhắc mình.
Sau khi học thuộc các mẫu câu tiếng Anh, anh chủ động bắt chuyện với khách nước ngoài mỗi khi có dịp. Một lần, giáo sư Cao Yên của khoa Ngôn ngữ phương Tây tình cờ đi ngang qua và nghe Trương nói chuyện với khách ngoại quốc. "Ham học là rất tốt, nhưng tôi thấy cậu đọc tiếng Anh mà như nói tiếng Đức. Nếu cứ như vậy, khách họ sẽ phát điên mất", vị giáo sư nói với Trương.
Một tháng sau, Giáo sư Cao gọi Trương lên văn phòng, đưa cho anh giấy chứng nhận tham gia lớp đào tạo trước kỳ thi GRE và giấy chứng nhận tham gia lớp đào tạo đầu vào đại học dành cho đối tượng tự học. Vị giáo sư nói, Trương có thể chọn học những khóa tiếng Anh cơ bản. Thậm chí ông Cao đã xin ảnh của anh từ đội an ninh và dán vào giấy chứng nhận tham gia lớp học. Tuy nhiên, Trương đã từ chối.
Học phí lớp đào tạo GRE là 3.600 tệ một kỳ, lương tháng của Trương khi đó chỉ là 214 tệ, còn phải gửi về nhà 50 tệ. Nhìn thấy vẻ ngượng ngùng của chàng trai trẻ, giáo sư Cao nói, sẽ miễn học phí cho anh.
Kể từ đó, hàng ngày Trương vào lớp lúc 7h sáng và kết thúc lúc 12h trưa. Sau đó anh chạy đến phòng bảo vệ thay quần áo đứng trực cho đến 15h rồi tiếp tục đến lớp học buổi chiều. Sau 17h, Trương làm việc cho đến 22h. Ở ký túc xá, anh thường lén trùm chăn cầm đèn pin đọc sách. Chàng trai này đặt mục tiêu phải đỗ đại học, nên chỉ ngủ ba tiếng mỗi ngày.
Nhờ nỗ lực học tập, Trương Tuấn Thành đã đỗ kỳ thi đầu vào dành cho đối tượng tự học và được nhận vào khoa Luật của trường ĐH Bắc Kinh. Ban ngày, Trương là sinh viên, ban đêm vẫn làm bảo vệ.
Năm 1998, Trương, 22 tuổi, tốt nghiệp đại học. Câu chuyện của anh đã được viết trên tạp chí của trường và trở thành tấm gương nỗ lực vươn lên trong học tập, thay đổi số phận.
Sau khi tốt nghiệp, Trương Tuấn Thành về quê, trở thành giáo viên ở một trường dạy nghề. Năm 2015, cùng với bốn người bạn, anh thành lập một trường trung cấp kỹ thuật tại tỉnh Sơn Tây và trở thành hiệu trưởng. Mọi hoạt động, học tập của trường được xây dựng dựa theo nguyên tắc quân đội.
"Tôi mở trường để khuyến khích việc học tập của trẻ em nghèo. Những đứa trẻ này chỉ có thể thay đổi số phận bằng con đường học tập", Trương khẳng định.
Tại trường, 70-80% học sinh đến từ các vùng nông thôn, thậm chí một số còn rất nghèo. Với những học sinh nghèo, chi phí học tập gần như bằng 0, đã vậy còn có cơ hội tìm việc làm cao.
Tại trường, Trương cũng tạo điều kiện cho học sinh vừa làm vừa học thông qua các liên kết của trường với nhiều nhà máy trong tỉnh. "80% học sinh trong trường đã học tiếp lên đại học", vị hiệu trưởng hãnh diện nói. Trương cũng tâm sự, bản thân luôn muốn học sinh nghèo có thể thay đổi số phận qua việc học, giống như anh trước đây.
"Còn trẻ là còn tương lai, chỉ cần có người dẫn đường đúng lối" - Trương thường động viên học sinh như vậy. Với anh, dù xuất phát điểm thấp đến đâu, tri thức sẽ thay đổi vận mệnh, chỉ cần không ngừng nỗ lực, ai cũng có thể làm chủ cuộc sống của mình.
Vy Trang (Theo Paper)