Một mình Hiếu đứng lại với hai hàng nước mắt.
Lên cấp hai, Hiếu không còn khóc mỗi khi bị bạn bè trêu chọc. Cậu lao vào chiến đấu với những đứa châm chích mẹ và thường trở về nhà đầy thương tích.
Có lần cậu đòi bỏ học, bà Chế Thị Gái (73 tuổi, bà ngoại Hiếu) vừa lau vết thương, vừa dỗ cháu: "Mẹ vẫn luôn là mẹ. Giờ con phải học giỏi để không ai khinh mình nữa".
Tháng 7 năm nay, Lê Đức Hiếu, 18 tuổi, ở thôn Kỳ Thọ Bắc, xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi vừa trở thành sinh viên của Trường đại học Kinh tế TP HCM. Ngày biết tin đậu đại học, Hiếu khóc, bà ngoại khóc, chỉ có mẹ hềnh hệch cười, hất đổ bát cơm con trai vừa mang đến.
Mẹ Hiếu, cô Lê Thị Thương, 47 tuổi, phát bệnh tâm thần từ 26 năm trước. Dù gia đình chạy chữa khắp nơi, từ bệnh viện tỉnh rồi qua Đồng Nai, Huế... nhưng chẳng hề thuyên giảm. Khi mới bệnh, cô Thương cả ngày ngồi lẩm bẩm trong phòng, sau lại gào thét, đánh người rồi bỏ đi lang thang. Không đủ sức ngày nào cũng đi kiếm, bà Gái đành xích con gái dưới hiên bếp.
Năm Thương 29 tuổi, cô bị một người quen biết xâm hại. Cậu bé Hiếu sinh ra nhưng người bố chưa bao giờ nhận con. Nhà nghèo, bà Gái gom từng đồng bán rau, bán lúa... mua sữa cho cháu. Chưa một lần bà có đủ tiền mua một lon sữa. Người bán thương tình, cho trả nửa, nợ nửa. Hiếu lớn lên từ những hộp sữa mang nợ đó.
Bệnh nặng nên người mẹ chẳng biết ai với ai, kể cả con trai mình. Mỗi lần đói, cô chỉ biết gọi: "Má ơi, ăn cơm". Mười năm trước, thay vì phải sống dưới hiên bếp, gia đình được mạnh thường quân hỗ trợ xây thêm một gian nhỏ. Trong căn phòng luôn khóa chặt, cửa sổ quây lưới thép, người mẹ ăn ngủ và vệ sinh tại chỗ. Bà Gái và Hiếu thay phiên nhau thay rửa và chăm sóc.
Trước kia nhà có ruộng, Hiếu phụ ông bà cấy cày, lúa thu hoạch còn thừa đem bán mua sách vở, quần áo. Nhưng từ khi người ông bị tai biến liệt nửa người năm 2018, ruộng cho thuê, mỗi vụ được trả công vài bao thóc. "Chỉ đủ ăn chứ chẳng thừa đồng nào", bà Gái nói. Thuốc men, thức ăn của gia đình chỉ dựa vào 500.000 đồng tiền trợ cấp cho người tâm thần cùng rau cỏ tự trồng trong vườn.
Dù bữa ăn ít khi xuất hiện thịt cá, chỉ quanh quẩn trứng, đậu, rau... những thứ rẻ nhất ngoài chợ, nhưng bà Gái dạy cháu: "Nếu con muốn có một chỗ đứng, một tư cách... phải tự kiếm tiền, tuyệt đối không được ngửa tay xin!".
Năm ngoái, chồng mất, bà Gái phát hiện mình hở van tim, sức khỏe xuống dốc không phanh, đi vài bước là ngồi thở, mọi việc trong nhà Hiếu tự xoay sở, từ nấu nướng cho đến chăm sóc mẹ. Sáng đi học, chiều về cậu lại phụ bà bóc vỏ hạt điều, tối muộn mới ngồi vào học. Mỗi ký hạt điều, hai bà cháu kiếm được 20.000 đồng, ngày nhiều nhất được 5 kg. Tiền kiếm được, phần lớn đổ vào thuốc men cho bà và mẹ.
Mười tám năm nay, niềm hy vọng lớn nhất của Hiếu là ngày nào đó mẹ nhận ra mình. Mỗi khi đạt điểm cao hay nhận thưởng từ trường, cậu đều đứng trước cửa phòng, nói vọng vào khoe với mẹ. Đáp lại, phía trong chỉ là tràng cười không ngớt hoặc những cú đập đầu vào tường.
Năm lớp 12, dù là học sinh lớp chọn của trường THPT Nghĩa Hành nhưng Hiếu dự tính tốt nghiệp cấp 3 sẽ tìm việc thay vì lên đại học. "Bà quá vất vả rồi, em muốn kiếm tiền chăm lo cho bà và mẹ", cậu nói nguyện vọng với cô giáo chủ nhiệm Võ Thị Thanh Hoàng.
"Muốn thay đổi số phận, không cách nào khác là học tập. Em phải cố gắng, thầy cô và bạn bè sẵn sàng giúp đỡ", cô Hoàng dặn dò. Năm nào trong học bạ của cậu học trò nghèo, giáo viên này cũng phê: "Có nghị lực vươn lên trong học tập". Những đợt học bổng dành cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường cũng ưu tiên dành cho Hiếu.
Năm cuối cấp, trong khi bạn bè ôn thi tốt nghiệp ở trường, Hiếu không dám tham gia vì không có tiền. Cậu ở nhà tự học, bài nào không hiểu nhờ bạn giảng lại hộ. Biết hoàn cảnh, các thầy cô tình nguyện dạy miễn phí.
Hiếu đăng ký ba trường đại học, đỗ cả ba. Ngày nhận kết quả, bà Gái vui quá, lật đật chạy khoe khắp xóm. Nhưng tối về bà lại nằm khóc, bởi không biết lấy tiền đâu đóng học cho cháu. Rồi bà nhớ ra hàng cau của nhà sắp đến ngày thu hoạch. "Bán nhanh cũng được 3 triệu, chỉ phải vay thêm 7 triệu đóng học nhập trường", người phụ nữ 73 tuổi khấp khởi mừng. Nhưng đúng đêm đó, cả xóm bị mất trộm cau, ba triệu đồng bà Gái hy vọng cũng tan theo mây khói.
Gần đến hạn, biết nhà không có tiền, Hiếu lấy lý do đi học xa không ai chăm bà và mẹ nên xin nghỉ học. Bà Gái gạt nước mắt chạy đi vay mỗi người một ít. Người làng biết bà vay tiền để đóng học cho "con trai người mẹ điên" nên chẳng ai lấy lãi, dặn khi nào có thì trả.
"Còn nhiều người thương mình lắm nên cháu phải cố gắng nhiều hơn", ông Nguyễn Văn An, trưởng thôn Kỳ Thọ Bắc nhắn nhủ Hiếu mỗi lần đại diện địa phương đem quà động viên của tỉnh, của Hội chữ thập đỏ đến cho gia đình. Với vị trưởng thôn này, Hiếu là một nghị lực sống, biết vươn lên số phận.
Dịch bệnh nên chàng tân sinh viên chưa thể nhập học tại TP HCM, hiện vẫn ở nhà học online, thời gian rảnh giúp bà cơm nước và chăm lo cho mẹ. Hiếu tính sau này lên thành phố sẽ đi làm thêm tự nuôi bản thân. "Em lớn rồi, không muốn bà thêm vất vả", cậu nói. Biết hoàn cảnh, thầy cô đang làm hồ sơ xin miễn học phí, nếu không được chàng trai này dự tính vay ngân hàng cho 4 năm đại học sắp tới.
Bốn năm đại học là thời gian thông thường của những sinh viên khác, còn với Hiếu con số này có thể tăng lên 5 hoặc 6 năm, bởi "nếu ngoại ốm hay mẹ bệnh, em sẽ bảo lưu để về nhà chăm sóc, sau đó tiếp tục đi học".
Với chàng trai 18 tuổi, dù hành trình tốt nghiệp có thể dài hơn bạn bè, nhưng có một điều cậu luôn chắc chắn "sẽ không rời giảng đường mà phải cố gắng đến cùng".
"Em chỉ mong sau này đi làm, có tiền chữa bệnh để một lần mẹ gọi được hai tiếng: Con ơi!", chàng trai 18 tuổi nói.
Hải Hiền