Là con lớn của một nữ lao công 39 tuổi đã ly hôn, Ming phải lo bữa trưa cho em gái 10 tuổi, đồng thời dạy cô bé học bài. "Khi nghĩ đến mẹ đã làm việc vất vả, cháu nghĩ mình giúp đỡ một chút cũng không sao", Ming trả lời khi có ai đó hỏi cậu tại sao phải đi nhặt rác.
Cậu bé này nằm trong số 275.000 trẻ em Hong Kong dưới 18 tuổi phải sống trong cảnh nghèo đói năm 2020, theo báo cáo của chính phủ. Với tỷ lệ nghèo 23,6% trên tổng 1,65 triệu dân, đồng nghĩa cứ 5 người Hong Kong thì có một người phải sống khổ cực. Đây là tỷ lệ cao nhất 12 năm qua.
Theo khảo sát của Hiệp hội vì Tổ chức Cộng đồng (SoCO), thực hiện từ tháng 6/2020 đến tháng 9/2021, 80% trẻ em nghèo 3 đến 17 tuổi ở Hong Kong phải làm việc nhà hoặc trông nom các thành viên trong gia đình. Các em phải dành 8-16 giờ mỗi tuần. Đôi khi, chúng phải kiếm sống bằng việc đi nhặt phế liệu, giấy vụn, bìa cứng.
Khảo sát cho thấy những trẻ này gặp hàng loạt vấn đề như kiệt sức, bất lực hoặc căng thẳng cùng với đó là những trục trặc về sức khỏe. Chúng gần như không có thời gian và năng lượng để học hành hay gặp gỡ bạn bè.
Sze Lai-shan, Phó Giám đốc SoCO, cho rằng trẻ em có thể làm việc nhà, nhưng quá nhiều là một vấn đề. "Bố mẹ cần quan tâm đến những nhu cầu tối thiểu của trẻ em, đặc biệt là việc học", bà nói.
Nhiều gia đình gặp khó khăn nhưng chỉ 1/3 tìm kiếm sự giúp đỡ. Họ không biết bắt đầu từ đâu để con cái mình được hỗ trợ các dịch vụ sau giờ học. Sze Lai-shan đề nghị chính quyền thiết lập một cơ chế đánh giá để xác định nhu cầu của trẻ vị thành niên, từ đó giới thiệu chúng đến các dịch vụ xã hội hoặc thành lập các trung tâm hỗ trợ.
"Các địa điểm chăm sóc trẻ em rất hạn chế, thường đóng cửa sau giờ học và trong kỳ nghỉ. Do đó, nhiều gia đình không còn cách nào khác là để con cái tự trông nhau, dù các em đều còn rất nhỏ", Sze nói.
Trung tâm dịch vụ Gia đình và Trẻ em ở Mong Kok, do Hiệp hội Bảo vệ trẻ em Hong Kong điều hành, cung cấp dịch vụ chăm sóc sau giờ học cho 72 trẻ dưới 12 tuổi. Giám đốc Choy So Suk-Yin cho biết, bất cập ở đây là nhà chức trách yêu cầu trung tâm mở cửa từ 15h30 đến 19h, nhưng bỏ ngỏ khung giờ 12h30-15h30.
Choy cho rằng cần có nhiều dịch vụ hơn để hỗ trợ những gia đình có nhu cầu. Đồng thời chính quyền Hong Kong cũng nên cung cấp dịch vụ giúp việc gia đình, hỗ trợ những trẻ em phải chăm sóc bố mẹ bị bệnh mạn tính.
Năm năm trước, ở tuổi lên 6, David Chan bắt đầu đi nhặt phế liệu với mẹ và chỉ kiếm được 3-10 HKD cho một giờ làm việc. Giờ đây, cậu bé 11 tuổi, không còn nhặt phế liệu nữa nhưng vẫn làm việc nhà và chăm sóc mẹ, người không thể làm việc vì những cơn đau thắt lưng kéo dài cả tháng mỗi khi tái phát.
Bà Chan, mẹ của David có thể đi lại khập khiễng. "Nếu cần đi vệ sinh ban đêm, tôi phải đánh thức con trai và nhờ con đưa mình ra khỏi giường", bà nói.
Còn với David, em cho biết "hai mẹ con chỉ có cách sống nương tựa vào nhau".
Thanh Hằng (Theo SCMP)