"Mọi người cần ngừng giục tôi cứ sinh con. Phần lớn thế hệ tôi không đủ tiền để có con. Điều đó nằm ngoài khả năng của tôi và là một thực tế tàn khốc", Jen Cleary, cựu giáo viên 35 tuổi, nói. Vì tài chính bấp bênh, mong ước có một gia đình của cô có lẽ sẽ không bao giờ trở thành hiện thực. Đó cũng là tình trạng mà nhiều người thế hệ Y (sinh trong khoảng năm 1981 - 1996) gặp phải.
Tại Anh, tỷ lệ sinh đang ở mức thấp báo động. Đặc biệt, tỷ lệ sinh của phụ nữ dưới 30 tuổi thấp nhất kể từ năm 1938.
Tình trạng này do nhiều nguyên nhân khác nhau, ví dụ số người vô sinh tăng và một bộ phận lựa chọn không đẻ. Cũng có những người phản đối việc có con vì biến đổi khí hậu và môi trường sống nguy hiểm. Tuy nhiên, khủng hoảng tài chính cùng sinh hoạt phí ngày càng cao mới là vấn đề dai dẳng và ngày càng trầm trọng.
"Một phần năm phụ nữ trung niên không có con và 80% số này do hoàn cảnh", Jody Day, người sáng lập mạng lưới hỗ trợ phụ nữ không có con Gateway Women nói. Theo bà, "hoàn cảnh" ở đây thường là các khoản nợ sinh viên, giá nhà tăng, thiếu dịch vụ chăm sóc trẻ em vừa túi tiền.
Đó cũng là các vấn đề Cleary đối mặt. Cô gặp vợ khi cả hai đang theo khóa đào tạo giáo viên cách đây chín năm. Họ mua một căn hộ ở London và lên kế hoạch xây dựng gia đình, trong đó có việc xin tinh trùng để sinh con. Tuy nhiên, do những thay đổi về chính sách và quy định an toàn, giá trị căn hộ của hai nữ giáo viên giảm xuống trong khi phí bảo trì lại tăng vọt.
Cleary cùng vợ quyết định bán nhà. Họ lỗ 20.000 bảng và chật vật tìm nơi ở mới.
Trong sáu tháng, cặp đôi đổi tới bốn căn hộ. Họ cũng có nhiều khoản nợ chưa thể trả nên việc nhận con nuôi hay tìm người hiến tặng tinh trùng ngày càng trở nên khó khăn.
"Muốn nhận con nuôi, bạn phải có nơi ở ổn định mà giờ chúng tôi chưa làm được. Chi phí xin tinh trùng hiến tặng cũng lên tới 2.000 bảng một lần, trừ khi có bạn bè sẵn sàng làm đồng phụ huynh", Cleary lý giải.
Biết mình đã 35 tuổi và "đồng hồ đang đếm ngược", Cleary vẫn phải ưu tiên tìm nhà, sau đó mới tính tiếp chuyện con cái. Gần đây, cô bỏ công việc giáo viên để xin vào một công ty với mức lương cao hơn. Cleary cùng vợ hy vọng có thể mua được nhà ở một khu vực ít đắt đỏ hơn.
Một điều khác khiến Cleary bận tâm là cô thường xuyên bị hiểu lầm.
"Chúng tôi có một số người bạn không tinh tế lắm. Tôi không muốn dự tiệc sinh nhật của con họ vì cảm thấy khó khăn nhưng họ lại khó chịu với tôi. Một phần trong tôi ước rằng mình không làm giáo viên ngay từ đầu bởi như vậy, có lẽ giờ chúng tôi đã đủ tiền để thực hiện điều mình muốn", Cleary giãi bày.
Dù số người không có con tăng, sự kỳ thị vẫn tồn tại. "Người ta cho rằng bạn chỉ đau buồn khi mất thứ gì đó còn nếu không sinh con, bạn chẳng mất gì cả", Jody Day, vốn là một chuyên gia trị liệu tâm lý, phân tích.
Với Rahul 40 tuổi, một người Anh gốc Ấn, sự kỳ thị còn liên quan đến yếu tố văn hóa. Vợ chồng Rahul sống ở Manchester, đã có một con gái bảy tuổi. Cách đây hai năm, họ quyết định không sinh thêm con vì không có tiền.
"Vợ tôi rất thất vọng vì cô ấy muốn có ít nhất hai đứa", Rahul bày tỏ, tiết lộ thêm chuyện này khiến gia đình anh căng thẳng. Phải đến lúc ngồi xuống xem xét số tiền chi tiêu, từ tiền gửi nhà trẻ đến phí gia sư và các câu lạc bộ ngoại khóa, vợ anh mới nhận ra vấn đề.
Tuy nhiên, bố mẹ hai bên vẫn không bằng lòng. "Chúng tôi là thế hệ đầu tiên trong gia đình đến Anh nên họ muốn chúng tôi có nhiều con cái, nếu không đứa đầu sẽ cô đơn. Nhưng tôi hy vọng họ rồi sẽ hiểu", Rahul nói.
Theo Nhóm Hành động vì đói nghèo trẻ em, năm 2021, chi phí nuôi dạy một đứa trẻ đến 18 tuổi ở Anh là hơn 71.000 bảng. Nhà khoa học Joanna Zajac đã có con gái ba tuổi và muốn sinh thêm nhưng cũng nhận ra mình không đủ khả năng tài chính. Theo cô, so với một số nước như Ba Lan và Italy, Anh ít hỗ trợ dịch vụ chăm sóc trẻ em hơn, gây khó khăn cho những bậc phụ huynh có công việc toàn thời gian. Trong một khảo sát trên 20.000 bố mẹ Anh đang làm việc, 97% nhận định phí trông trẻ quá đắt đỏ.
Với hy vọng kiếm thêm tiền và sinh con, Zajac mới nhận thêm một công việc ở nước ngoài. "Gia đình tôi sẽ phải xa nhau vài tháng, thậm chí vài năm", cô chia sẻ. Zajac còn sợ mình khó mang thai vì đã bước sang tuổi 37.
Ở tuổi 27, Sarah Hague cũng cảm thấy gánh nặng tài chính đè lên mong muốn có con. Tại Cambridge nơi cô sinh sống, nhà ở có giá từ 400.000 bảng mà Hague không thể trông chờ vào sự giúp đỡ từ gia đình. Giải pháp thuê nhà cũng không hợp lý bởi theo luật Anh, gia chủ nếu muốn lấy lại phòng/nhà chỉ cần báo người thuê trước hai tháng. "Chúng tôi có thể thành vô gia cư chỉ sau tám tuần", Hague nói. Vì thế, lựa chọn của nhà khoa học trẻ là tiết kiệm tiền mua nhà trước.
Giáo sư Bobby Duffy, giám đốc Học viện Chính sách Đại học King London nhận định khủng hoảng nhà ở tại Anh tác động mạnh mẽ đến thế hệ Y, nhất là những người muốn lập gia đình. Theo ông, tỷ lệ người sinh từ năm 1946 đến 1964 sở hữu nhà ở là 80% nhưng đến thế hệ Y, con số này chỉ đạt 40%. "Điều này đẩy giới trẻ đến thị trường cho thuê tư nhân vốn khó kiểm soát, tốn kém và không an toàn. Cộng thêm các yếu tố như chi phí chăm sóc trẻ em, lương trì trệ và bắt buộc phải sống thắt lưng buộc bụng, họ không còn tin rằng tương lai mình sẽ tốt hơn các thế hệ trước", giáo sư Duffy lý giải.
Không chỉ nhà ở mới gây ra sự bấp bênh. Fiona 29 tuổi đang sống cùng bảy người khác. Ngoài công việc chính là trợ lý, cô có hai công việc bán thời gian nhưng số tiền kiếm được "chẳng đủ để nuôi chó, đừng nói con nhỏ". "Có sự chênh lệch giàu nghèo rất lớn ở Anh", Fiona giãi bày.
Chưa thể cải thiện tình hình tài chính, những người như Cleary và Fiona học cách chấp nhận.
Cleary cùng vợ thống nhất hoãn sinh con vô thời hạn. Nếu không sinh được, họ sẽ nhận nuôi.
"Dù sao đi chăng nữa, chúng tôi sẽ chỉ có con khi đã sẵn sàng và có thể cho con những điều tốt nhất", Cleary nói. "Nếu điều đó không xảy ra, thì cứ để như vậy thôi".
Với Fiona, chấp nhận bản thân không có con giống như một lối thoát. "Tôi làm hòa với chính mình. Ít nhất, tôi có thể tập trung vào chính mình. Chúng ta không lựa chọn sinh ra trên đời nhưng có thể làm chủ cuộc đời của mình và sống trọn vẹn", cô bộc bạch.
Thu Nguyệt (Theo The Guardian)