Amazon hiện rơi vào hoàn cảnh khó khăn, được cho là đang cắt giảm 17.000 nhân viên. Điều này khiến giới chuyên gia, nhà đầu tư và nhân viên Amazon lo ngại cho công ty dưới sự lãnh đạo của Andy Jassy, người đảm nhận vị trí CEO từ tháng 7/2021.
Thực tế, cho đến trước khi Bezos từ chức, cổ phiếu của Amazon đã tăng lên cao nhất trong lịch sử công ty. Sau hơn 18 tháng dưới quyền của Jassy, cổ phiếu đã lao dốc hơn 50%. CEO mới tuần trước đổ lỗi cho nền kinh tế bấp bênh và việc Amazon tuyển dụng ồ ạt vài năm qua là nguyên nhân khiến mọi thứ đi xuống.
Thế nhưng, các chuyên gia không đồng tình. Họ nghi ngờ năng lực của Jassy, đồng thời nghĩ đến việc Bezos sẽ quay lại để vực dậy hãng thương mại điện tử do ông sáng lập.
"Bezos đã làm việc 27 năm tại Amazon và mới rời đi chưa đầy hai năm. Chỉ có ông ấy mới có thể ổn định được con tàu", Michael Batnick, CEO của Ritholtz Wealth Management - công ty nắm giữ 20 triệu USD cổ phiếu của Amazon, nói với Guardian.
Vấn đề Bezos quay lại làm CEO Amazon cũng trở thành chủ đề thảo luận trên kênh Slack của công ty. Trong một nhóm thảo luận về việc sa thải mà Business Insider thu thập được, một số đề nghị ông chủ cũ trở về điều hành.
"Ông ấy nên quay lại, vì là người giỏi nhất", một tài khoản bình luận. "Sự trở lại của nhà vua", một nhân viên khác viết về Bezos. "Nhớ tôi chưa?", một người khác đăng bức ảnh Bezos đang cười.
Có nhân viên cho rằng việc Bezos trở lại là đương nhiên sau thời gian Amazon gặp khó khăn như vừa qua. "Rõ ràng Andy đang không hề an toàn", một người viết. "Không có gì ngạc nhiên trước tin đồn Bezos quay lại. Tôi đoán có lẽ ông ấy đang hỏi: Jassy đang làm gì cho công ty của tôi?", nhân viên khác đồng tình.
Hiện Jassy được cho là không nhận được sự tin tưởng từ nhân viên. Theo một số nguồn tin nội bộ, cách ông thông báo về sa thải nhân sự mà không hề thảo luận hoặc đưa ra kế hoạch cụ thể cho đa số thành viên ban giám đốc khiến họ bất ngờ.
Theo Business Insider, Jassy đã vật lộn với tình trạng bất ổn bên trong Amazon trong vài tháng. Từ năm ngoái, ông và công ty đối mặt với hàng loạt vấn đề bao gồm văn hóa kỹ thuật trì trệ, nhân viên bị quản lý chặt chẽ hơn, môi trường làm việc nặng nhọc...
Nhưng không phải nhân viên nào cũng chỉ trích CEO mới. "Đừng quên người quyết định đưa chúng ta đến đây là Bezos", một người viết trên Slack, ám chỉ tình hình Amazon hiện tại đến từ các quyết sách trước khi từ chức của Bezos. "Tôi không chắc mọi quyết định của Jassy khiến công ty như hiện tại" một người khác nói.
Dan Ives, nhà phân tích công nghệ nổi tiếng ở Phố Wall, cho biết Jassy gặp khó khăn sau những gì Bezos để lại. "Amazon phình to dưới thời Bezos và giờ cần cắt giảm nhiều hơn nữa. Còn nhiều nỗi đau phía trước đối với Amazon", ông nhận định.
Trong quá khứ, không ít người từ chức CEO nhưng sau đó quay lại để điều hành công ty. Cách đây ít tuần, Bob Iger trở lại Disney sau hai năm từ chức, Howard Schultz của Starbucks cũng quay lại làm CEO tạm thời vào năm ngoái. Cố CEO Apple Steve Jobs cũng rời công ty do mình sáng lập và sau đó trở về.
Amazon và các công ty công nghệ khác đã ồ ạt tuyển dụng trong năm 2020 và 2021 khi Covid-19 làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng, đặc biệt ở lĩnh vực thương mại điện tử và mạng xã hội. Giờ đây, nhu cầu nhân sự của nhiều công ty công nghệ quay về mốc trước đại dịch, khi người dân trở lại thói quen cũ và điều kiện kinh tế vĩ mô xấu đi.
Meta, công ty mẹ của Facebook, cuối năm ngoái cũng thông báo giảm 11.000 việc làm, con số lớn nhất trong lịch sử của công ty. Twitter cũng sa thải diện rộng sau khi Elon Musk tiếp quản công ty cuối tháng 10/2022.
Bảo Lâm