Metaverse có thể phổ biến trong tương lai, Elon Musk có thể lèo lái con thuyền Twitter đi đúng hướng, hay tiền số sẽ vượt qua "mùa đông". Tuy nhiên, đó là câu chuyện của tương lai, còn trong 12 tháng qua, giới công nghệ liên tục chứng kiến sự lao dốc và hỗn loạn tại Twitter, Meta và thị trường tiền số.
Twitter rối ren dưới thời Musk
Cuối tháng 10, tỷ phú công nghệ Elon Musk chính thức nắm quyền kiểm soát Twitter sau thời gian dài có ý định hủy bỏ thương vụ. Nhưng thay vì mở ra một giai đoạn thịnh vượng và hiệu quả mới, những gì ông thực hiện trong hai tháng qua liên tục vướng phải những tranh cãi.
Đầu tiên, ông sa thải hơn một nửa số nhân viên của Twitter nhưng đến nay mọi thứ đang chống lại ông: nền tảng cần họ để duy trì hoạt động. Mục tiêu Twitter 2.0 đòi hỏi nhân viên cam kết trung thành và "làm việc chăm chỉ" cũng vấp phải làn sóng phản đối, dẫn đến sự ra đi của nhiều kỹ sư và nhân sự chủ chốt khác.
Musk cung cấp tùy chọn xác minh trả phí trên nền tảng, nhưng tính năng lập tức dẫn đến tình trạng mạo danh những nhân vật và thương hiệu nổi tiếng. Bên cạnh đó, ông cũng "hồi sinh" nhiều tài khoản gây tranh cãi và đã bị cấm trước đó.
Trong khi đó, hàng loạt thương hiệu lớn ngừng quảng cáo trên Twitter vì lo ngại các nội dung tiêu cực xuất hiện nhiều hơn trên nền tảng. Tỷ phú Mỹ từng đe dọa khách hàng, nhưng sau đó lại phải tìm cách thuyết phục họ quay lại.
Ngoài ra, Twitter cũng đang phải gánh khoản nợ 13 tỷ USD mà Musk đã vay để mua nền tảng này. Musk thừa nhận tình cảnh công ty như máy bay đang rơi, không an toàn dù phá sản không còn là nguy cơ với Twitter.
Google Stadia bị khai tử
Nền tảng chơi game Google Stadia ra mắt từ 2019, được đánh giá là cuộc cách mạng trong lĩnh vực game khi cung cấp cho người dùng khả năng truy cập trò chơi mọi lúc, mọi nơi mà không cần tải xuống hoặc cài đặt thông qua đám mây.
Nhưng vào tháng 10, Google thông báo ngừng dịch vụ và hoàn lại tiền cho tất cả người chơi đã mua phần cứng, nội dung và tiện ích bổ sung của Google và cửa hàng Stadia. Giới chuyên gia nhận định, Stadia là một trong những thất bại công nghệ lớn nhất những năm gần đây, không riêng 2022.
Nguyên nhân thất bại của Stadia đã được mổ xẻ thời gian qua: thiếu ổn định, độ trễ cao, thường xuyên bị ngắt kết nối giữa chừng... Đây đều là những yếu tố vốn rất quan trọng trong quá trình chơi game, chỉ cần một trong đó gặp vấn đề, game thủ có thể đã bỏ đi. Các đánh giá chung quan điểm rằng Google Stadia gây thất vọng lớn cho game thủ và những người mê công nghệ, do đó việc nền tảng bị "khai tử" chỉ là vấn đề thời gian.
Tham vọng metaverse của Meta
Facebook đổi tên thành Meta vào tháng 10/2021 với mục tiêu chính là theo đuổi tham vọng vũ trụ ảo metaverse. Thế nhưng, đây được xem là nguyên nhân chính khiến tình hình công ty của Mark Zuckerberg xấu đi chỉ sau một năm.
Công ty đang gặp phải vấn đề lớn với tham vọng của mình khi chi phí cho nền tảng này tăng cao, khiến các nhà đầu tư trở nên hoài nghi. Thực tế, ván cược vào metaverse đã tiêu tốn của Meta 9,4 tỷ USD năm nay và hơn 10 tỷ USD năm ngoái. Công ty dự đoán khoản lỗ "sẽ còn tăng đáng kể qua từng năm".
Theo thống kê, doanh thu quý III/2022 của Meta giảm 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là quý đi xuống thứ hai liên tiếp của công ty, trong khi hơn 10 năm trước đó, Meta chưa từng giảm doanh thu. Giá cổ phiếu của Meta hiện ở mức 100 USD, thấp nhất kể từ 2016. Những khó khăn buộc công ty phải sa thải hàng nghìn nhân sự, đồng thời thắt chặt chi tiêu hoạt động.
Thất bại của tiền số
Sau năm 2021 thăng hoa, thị trường tiền số đối mặt với hàng loạt vụ phá sản, sự cố, gây nên sự bất ổn của thị trường. Cú sốc đầu tiên và lớn nhất xảy ra khi Terra Luna bị sập, xóa sạch gần như toàn bộ giá trị của nền tảng. Thảm họa kéo theo nhiều tài sản kỹ thuật số liên quan cũng suy giảm và sụp đổ theo.
Thất bại lớn thứ hai là sàn FTX phá sản. Từng là sàn tiền số lớn thứ ba thế giới, FTX của Sam Bankman-Fried nhanh chóng sụp đổ trong vài ngày ngắn ngủi vì khủng hoảng thanh khoản. Đến nay, sàn nợ khoảng một triệu nhà đầu tư với khoản tiền 8 tỷ USD.
Cũng năm qua, nền tảng cho vay tiền điện tử phổ biến nhất là Celsius Network đột ngột đóng cửa khiến hàng nghìn nhà đầu tư mất trắng. BlockFi và Three Arrows Capital (3AC) cũng đối mặt tình trạng phá sản do quản lý quỹ yếu kém. Những sự cố này đặt câu hỏi về sự an toàn của các quỹ cho vay tiền số hiện tại và trong tương lai.
Trong khi đó, thị trường NFT ảm đạm cũng được xem là "nốt nhạc buồn" ở lĩnh vực blockchain năm nay. Bùng nổ năm 2021 với việc các nhà đầu tư chi hàng triệu USD mua tác phẩm nghệ thuật và đồ sưu tầm dạng kỹ thuật số, 2022 chứng kiến NFT giảm giá trị hàng nghìn lần. Các game NFT như Axie Infinity bị hack cũng khiến niềm tin vào NFT giảm sút nghiêm trọng.
Amazon Alexa thua lỗ
Alexa vẫn là một trong những trợ lý ảo phổ biến nhất thế giới. Trợ lý ảo này đã có mặt trên thị trường được khoảng 10 năm, không ít tính năng của nó được các đối thủ như Google và Apple học hỏi.
Dù vậy, một số báo cáo cho thấy trợ lý giọng nói của Amazon không còn được ưa chuộng do chỉ hoạt động với các lệnh tầm thường như phát nhạc hoặc hỏi về thời tiết. Theo The Verge, Amazon hiện sử dụng mô hình kinh doanh bán thiết bị kèm Alexa thay vì mua riêng một trong hai. Kết quả là, khi Alexa ít người dùng, lượng thiết bị sử dụng trợ lý ảo này cũng bị giảm theo.
Alexa bị đánh giá gặp nhiều lỗi, như độ trễ cao, trả lời sai, không hiểu câu lệnh. Số khác cho rằng khả năng nhận dạng giọng nói kém là điểm yếu của trợ lý ảo này. Ngoài ra, đội ngũ dịch vụ khách hàng thiếu phản hồi trong các sự cố cũng là điểm trừ, khiến khách hàng tìm đến các sản phẩm khác.
Theo nguồn tin của Business Insider, bộ phận Worldwide Digital của Amazon (quản lý Alexa, dịch vụ Amazon Prime) đã lỗ ba tỷ USD chỉ trong quý đầu tiên năm nay và được dự đoán lỗ 10 tỷ USD trong 2022, chủ yếu từ Alexa. Ngoài ra, nội bộ của bộ phận này được cho "đang gặp khủng hoảng".
Bảo Lâm