K từng là nhân viên cấp cao phụ trách vùng của Amazon ở quê hương với công việc ổn định, thu nhập cao, nhưng anh vẫn quyết định đến Mỹ. Amazon sắp xếp vị trí làm việc mới liên quan đến thiết bị cho anh, cũng như hỗ trợ xin thị thực L - thị thực lao động tạm thời dành cho nhân viên của các công ty Mỹ chuyển đến từ một văn phòng quốc tế.
Nhưng đến giữa tháng 11, Amazon sa thải 10.000 nhân sự. K là một trong số đó.
Hiện K còn khoảng một tháng nữa là hết hạn 60 ngày - thời gian để anh và các lao động nước ngoài bị sa thải phải tìm được công việc mới. Tuy nhiên, không giống những người ở Mỹ theo diện H-1B - thị thực làm việc tạm thời được công ty công nghệ sử dụng rộng rãi, có thể xin việc ở doanh nghiệp khác để tránh bị trục xuất, cơ hội duy nhất để K ở lại Mỹ theo diện thị thực L là tìm một vị trí khác ở chính công ty vừa sa thải anh.
"Cách tốt nhất để ở lại là tìm một vai trò mới trong Amazon, nhưng Amazon đã ngừng tuyển dụng", K nói với Guardian.
Trong nhiều năm, hàng nghìn kỹ sư và nhân viên công nghệ từ khắp nơi trên thế giới đã quyết định rời quê nhà để đến Mỹ, chủ yếu làm cho các công ty ở Thung lũng Silicon. Khi các công ty công nghệ phát triển với tốc độ chóng mặt và thuê hàng nghìn nhân sự mỗi năm, quyết định tới đây được xem là "sự đánh cược an toàn".
Nhưng vài tháng qua, ngành công nghệ trải qua biến động lớn. Rất nhiều công ty không chỉ ở Mỹ mà trên toàn cầu đã tiến hành sa thải nhân sự để thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh khó khăn. Ngoài Amazon, Meta đã cắt giảm 11.000 người, Twitter cho 3.700 nhân viên nghỉ việc, ngay cả Google cũng bắt đầu đóng băng tuyển dụng.
Dù không đưa ra con số về lượng người đang có thị thực làm việc tạm thời tại Mỹ, các luật sư di trú cho biết họ nhận thấy một lượng lớn khách hàng mới hoặc yêu cầu mới từ những khách hàng hiện tại đã bị sa thải muốn ở lại Mỹ.
Canh bạc theo đúng nghĩa đen
Ngay cả ở giai đoạn lĩnh vực công nghệ hoạt động ổn định, sống ở Mỹ bằng thị thực tạm thời luôn bấp bênh. Tuy nhiên, cơ hội mà Thung lũng Silicon mang lại vẫn đặc biệt hấp dẫn đối với lao động nước ngoài. Năm 2018, Amazon, Apple, Google và Facebook đã nộp đơn xin H-1B cho hơn 16.500 nhân viên, trong đó Amazon chiếm hơn 6.100 đơn. Đến 2022, Amazon tăng con số này lên 18.000 đơn.
Nhưng điều đó thay đổi chỉ sau vài tháng. Nhân sự nhập cư với thị thực tạm thời luôn là lựa chọn sau những người có thẻ xanh hoặc công dân Mỹ. Giờ đây, việc chuyển đổi công việc là một canh bạc. Người lao động có thị thực H-1B cần tìm một công ty mới sẵn sàng nộp đơn và tài trợ cho thị thực H-1B mới. Tại Sở Di trú và Nhập tịch Mỹ (USCIS), nó thậm chí được đưa vào quá trình "quay xổ số" để xác định đơn đăng ký nào sẽ được xem xét. Nếu "trúng", USCIS sẽ đánh giá xem có cấp visa H-1B hay không.
Hệ thống phức tạp này khiến những người có thị thực H-1B cảm thấy bế tắc. Họ không sẵn sàng chấp nhận rủi ro để chuyển sang công ty khác, còn những người bị sa thải đối mặt với áp lực phải ngay tìm một việc khác trong vòng 60 ngày.
Đối với người sắp nhận thẻ xanh, việc bị sa thải có thể là bước lùi. Tùy thuộc vào các mức độ trong quá trình đăng ký (thường kéo dài hàng năm), họ có thể phải bắt đầu lại từ đầu nếu quy trình xác thực thất bại. Giống H-1B, Mỹ chỉ định hạn ngạch cho số lượng thẻ xanh mà họ cấp cho người dân từ mỗi quốc gia, do đó đơn đăng ký có thể xếp chồng chờ xử lý nhiều năm.
Khi người lao động có thị thực làm việc tạm thời bị mất việc, vợ hoặc chồng của họ cũng bị ảnh hưởng theo. Với gia đình K, họ mất luôn cả hai nguồn thu nhập. "Sau khi tôi bị sa thải, vợ tôi cũng không thể đi làm", anh nói.
Lựa chọn tốt nhất của K là trở lại Đông Á. "Tôi cảm thấy như mình có nhiều cơ hội hơn ở đó", K chia sẻ. "Ở quê nhà, sa thải cần có lý do, còn ở Mỹ thì không. Là một nhân viên ở Mỹ, tôi không cảm thấy mình được bảo vệ".
Theo luật sư Tahmina Watson, thành viên Hiệp hội Luật sư Nhập cư Mỹ, về cơ bản những người có thị thực L như K khó ở lại Mỹ do phải xin lại việc ở công ty đã sa thải mình. "Tình hình kinh tế hiện tại khiến doanh nghiệp chỉ sa thải nhiều hơn hoặc đóng băng tuyển dụng. Về cơ bản đường quay lại công ty của họ đã bị chặn", Watson nhận xét.
Bảo Lâm (theo Guardian)