Quân đội Mỹ hôm 4/2 triển khai tiêm kích F-22 bắn hạ khí cầu Trung Quốc trên không phận ngoài khơi bờ biển Nam Carolina, vì cho rằng đây là khí cầu do thám. Vụ bắn hạ khí cầu đã làm dấy lên nhiều tranh cãi trong nội bộ nước Mỹ và leo thang căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung.
Bảy tháng sau, tướng Mark Milley, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, thừa nhận trong cuộc phỏng vấn cuối tuần trước với chương trình News Sunday Morning của đài CBS rằng khí cầu đó không phải thiết bị do thám. "Đánh giá có độ tin cậy cao của cộng đồng tình báo Mỹ cho rằng khí cầu đó không thu thập bất cứ thông tin tình báo nào", ông nói.
Tuyên bố của tướng Milley, sĩ quan hàng đầu ở Lầu Năm Góc, trái ngược với các thông tin mà quan chức quân đội Mỹ tiết lộ với truyền thông hồi tháng 2. Họ khi đó nói rằng khí cầu này đã "bay nhiều vòng trên hàng loạt căn cứ nhạy cảm của Washington, thu được nhiều thông tin tình báo và chuyển về cho Bắc Kinh theo thời gian thực".
"Dữ liệu mà Trung Quốc thu thập được chủ yếu là tín hiệu điện tử phát ra từ các hệ thống vũ khí và thông tin liên lạc, thay vì hình ảnh", một quan chức Lầu Năm Góc khi đó nói với NBC News, thêm rằng khí cầu có điều khiển và đã bay theo hình số 8 phía trên một số địa điểm nhạy cảm.
Thông tin mà tướng Milley đưa ra cũng phù hợp với giải thích của Trung Quốc khi đó rằng đây là khí cầu dân sự phục vụ nghiên cứu khí tượng và các hoạt động khoa học khác. "Do ảnh hưởng của gió tây và khả năng điều khiển hạn chế, khí cầu đã đi chệch hướng dự kiến", Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 3/2 cho biết.
Gió thổi chệch hướng cũng là giả thuyết hàng đầu mà giới tình báo Mỹ đưa ra để trả lời câu hỏi tại sao khí cầu bay lạc vào lãnh thổ Mỹ. Khí cầu này xuất phát từ Trung Quốc, ban đầu hướng về quần đảo Hawaii, nhưng gió ở độ cao hơn 18.000 m dường như đã khiến nó bị chệch hướng.
"Gió ở độ cao đó rất mạnh. Động cơ của khí cầu không thể chống lại sức gió mạnh như vậy", tướng Milley giải thích.
Khí cầu được phát hiện đi vào không phận Alaska của Mỹ ngày 28/1, trước khi di chuyển sang không phận Canada vào ngày 30/1. Sau đó, nó trở lại không phận Mỹ vào ngày 31/1, theo một quan chức quốc phòng Mỹ. Khí cầu sau đó hạ độ cao và bay tới tây nam Montana vào ngày 1/2, nơi nhiếp ảnh gia Chase Doak là người đầu tiên chụp được hình ảnh của nó.
"Tôi thấy một đốm trắng trên bầu trời và ban đầu đã nghĩ rằng đó là phi thuyền tới từ ngoài Trái Đất. Tôi đã chụp ảnh, quay video và sau đó cùng vài đồng nghiệp xem nó", Doak nói.
Doak sau đó gửi ảnh cho trang Billings Gazette và cho phép các hãng tin sử dụng nó miễn phí. "Tôi không muốn kiếm lợi gì từ nó. Tôi đã nghĩ đó là vấn đề an ninh quốc gia mà tất cả người Mỹ cần biết", ông nói.
Khi không quân Mỹ triển khai máy bay do thám U-2 theo dõi động thái của khí cầu, Ngoại trưởng Antony Blinken đã hoãn chuyến thăm quan trọng tới Trung Quốc. Ngày 3/2, ông chỉ trích quyết định sử dụng "khí cầu do thám" trên lãnh thổ Mỹ là "vô trách nhiệm và không thể chấp nhận".
Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu không quân Mỹ bắn hạ khí cầu ngay khi nó bay tới Đại Tây Dương. Đại tá Brandon Tellez đã lên kế hoạch cho chiến dịch bắn hạ khí cầu ngày 4/2, khi nó cách bờ biển gần 10 km.
Quả tên lửa tầm nhiệt phóng ra từ tiêm kích F-22 đã nhắm vào đốm sáng Mặt Trời phản chiếu trên quả khí cầu và bắn trúng mục tiêu, khiến nó rơi xuống biển.
Khi hải quân Mỹ trục vớt xác khí cầu từ Đại Tây Dương, các chuyên gia kỹ thuật phát hiện các cảm biến của nó chưa từng được kích hoạt khi bay qua lãnh thổ Mỹ.
Song tới lúc đó, vụ bắn hạ khí cầu đã gây tổn hại nghiêm trọng cho quan hệ Mỹ - Trung. Tổng thống Biden ngày 21/5 cho hay "khí cầu mang thiết bị do thám đã bay qua lãnh thổ Mỹ. Nó bị bắn hạ và cách chúng tôi đối thoại với Trung Quốc đã thay đổi".
Tướng Milley khẳng định các thiết bị trên khí cầu này "không thu thập tin tình báo hay truyền tải bất kỳ thông tin tình báo nào về Trung Quốc".
Không nhiều sự kiện trong quan hệ Mỹ - Trung khuấy động phản ứng từ các chính trị gia, lãnh đạo Mỹ cùng phương Tây và giới truyền thông nhiều như vụ bắn hạ khí cầu Trung Quốc.
Kể từ khi khí cầu lần đầu được phát hiện hôm 28/1 tới ngày bị bắn hạ 4/2, nó đã xuất hiện dày đặc trên khắp mạng lưới truyền thông Mỹ và phương Tây, hay trên các blog tin tức. Họ bàn luận về khả năng xâm nhập không phận Mỹ của Trung Quốc và sự bất lực của Washington trong việc chống lại khả năng do thám của Bắc Kinh.
Giới quan sát cho rằng những thông tin cường điệu của các chính trị gia và truyền thông dường như đã khiến Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ phản ứng thái quá bằng cách đóng cửa các sân bay và không phận khi khí cầu bay qua Carolina, trở thành một trong những đợt hạn chế tạm thời lớn nhất trong lịch sử Mỹ.
Việc sử dụng tiêm kích F-22 cho nỗ lực bắn hạ khí cầu cũng trở nên đặc biệt. Các sử gia chỉ ra đây là lần đầu tiên một tiêm kích F-22 bay trên lãnh thổ Mỹ và bắn hạ mục tiêu nước ngoài kể từ Thế chiến II.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho rằng Mỹ "cố tình thổi phồng sự việc và thậm chí sử dụng vũ lực để tấn công", gọi vụ bắn hạ là "hành động vô trách nhiệm và không thể chấp nhận". Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong đã cáo buộc Mỹ sử dụng vũ lực bừa bãi đối với khí cầu dân sự khi nó sắp rời khỏi không phận Mỹ.
Ngoại trưởng Blinken sau đó tuyên bố mọi quốc gia "bị xâm phạm không phận" đều sẽ phản ứng như Mỹ, đồng thời nhận định Trung Quốc sẽ phản ứng tương tự nếu gặp trường hợp này.
Giới quan sát cho rằng nhận định về "hoạt động do thám" của khí cầu Trung Quốc và nguy cơ an ninh quốc gia bị đe dọa đã thúc đẩy Mỹ đưa ra quyết định bắn hạ. Nó cũng cho thấy quân đội Mỹ có đủ năng lực bảo vệ đất nước trước các vụ xâm nhập, nhưng phải đánh đổi bằng căng thẳng leo thang trong quan hệ với Trung Quốc.
Trong khi đó, mối quan tâm của Trung Quốc có lẽ là tránh gửi thêm bất kỳ khí cầu thời tiết nào tới gần Mỹ, để tránh kích động công chúng Mỹ và khiến căng thẳng song phương tiếp tục leo thang, theo Lim Teck Ghee, nhà phân tích của Eurasia Review.
Thanh Tâm (Theo CBS, Eurasia Review)