Cho rằng các nhân viên có hình xăm lớn dọc cánh tay có thể gây bất lợi đến môi trường công việc và tình hình kinh doanh của công ty, vị Giám đốc tuyên bố đuổi việc, nhưng đồng ý cho hai nhân viên trẻ cơ hội khác nếu họ chịu đi xóa xăm. Đoạn video ghi lại sự việc đang được lan truyền trên mạng xã hội, làm bùng nổ một cuộc tranh luận gay gắt xung quanh câu chuyện có hay không sự phân biệt đối xử với nhân viên xăm mình?
Độc giả Nguyen Huu Hieu nêu quan điểm: "Tôi không thị người xăm mình nhưng để lựa chọn giữa hai người cùng năng lực và ngoại hình ngang nhau thì tôi sẽ chọn người không xăm. Các bạn trẻ ngày nay đua nhau xăm mình nhân danh nghệ thuật, nhưng nghệ thuật thì ít mà đua đòi theo bạn bè thì nhiều. Họ nghĩ sở hữu hình xăm là thời thượng là sành điệu. Các bạn không nghĩ đến hậu quả là một khi sở hữu hình xăm thì cánh cửa tương lai sẽ hẹp hơn người khác bởi rất nhiều lý do, đơn cử như ánh nhìn của mọi người, cơ hội việc làm, dựng vợ, gả chồng...
Không phải ai cũng đủ kiên nhẫn và dành nhiều thời gian để tìm hiểu con người các bạn trước khi đánh giá, cái nhìn thiện cảm đầu tiên vì thế rất quan trọng, quyết định thành bại của bản thân. Một sai lầm lớn của giới trẻ ngày nay là nghĩ thân thể cha mẹ cho chỉ là sản phẩm vật lý - miễn phí và tùy ý".
Đồng quan điểm, bạn đọc Dinh Cong Thao cảnh báo những bạn trẻ xăm mình: "Xăm hình là quyền cá nhân. Nhưng tuyển dụng hay từ chối người có hình xăm cũng là quyền của người sử dụng lao động. Bạn có cá tính của bạn, tôi có cá tính của tôi. Nếu không phù hợp thì không đi cùng đường được. Vậy các bạn trẻ phải thật tỉnh táo khi quyết định xăm bất cứ cái thứ gì lên cơ thể mình.
Xăm mình lên cơ thể ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe, nguy cơ lây nhiễm bệnh như HIV, HPV, giang mai, lậu, sùi mào gà, viêm gan A, B, C, thì còn có thể làm mất đi cơ hội việc làm, vị trí công việc trong bất kỳ xã hội nào. Việc kết hôn sau này cũng có thể gặp phải phiền phức với gia đình đối phương. Vậy nên, các bạn trẻ hay suy nghĩ kỹ trước khi muốn làm bất cứ việc gì".
"Nói thật dù chẳng tiếp xúc nhưng tôi chắc chắn ai trong chúng ta cũng sẽ cảm thấy người có hình xăm không thiện cảm bằng người không có, đặc biệt là những hình xăm to như kiểu rồng, phượng, cá chép. Dù bạn có làm việc tốt, dù không ai phán xét bạn, nhưng họ không thích tiếp xúc với bạn thì đó là quyền của mỗi người.
Vậy nên, ai chưa xăm thì tôi khuyên đừng nên xăm. Những cảm giác như kiểu oai, ngầu hay cá tính chỉ xuất hiện nhất thời lúc ban đầu thôi, vài tháng sau có khi bạn còn chẳng thèm nhìn vào nó nữa. Đấy là còn chưa tính tới chuyện hình xăm sẽ làm ảnh hưởng tới công việc và nhận thức của con cái. Tôi xăm hình từ cấp ba, nhưng cảm thấy may mắn vì khi đó đã chọn chỗ kín đáo và mực màu trắng", độc giả Bình Luận nói thêm.
>> 'Nhiều người trẻ xăm mình dễ dãi'
Trong khi đó, với quan điểm trái chiều, bạn đọc Taonon lại có cái nhìn thoáng hơn với người xăm mình: "Tôi không có bất kỳ hình xăm nào trên cơ thể, và cũng không định đi xăm mình. Nhưng với tôi, nhân cách không thể hiện qua hình xăm. Nhân cách xấu có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, già - trẻ - gái - trai, sạch đẹp hay xấu xí... Thực ra, những doanh nghiệp đề ra tiêu chí không tuyển dụng người có hình xăm, phần lớn không phải doanh nghiệp tầm cỡ toàn cầu - nơi đòi hỏi tôn trọng văn hóa, tôn trọng sự khác biệt nằm trong chuẩn mực xã hội và pháp luật. Công ty tôi có rất nhiều bạn trẻ xăm mình nhưng họ vẫn làm việc tốt, sáng tạo và năng lượng.
Thực ra, cách đây 15-20 năm, việc nhuộm tóc nâu đã là một cái gì đó rất khác biệt và bị dò xét, thậm chí con gái mặc váy cũng bị xì xào, bàn tán. Còn giờ, chuyện đó bình thường đến cả vùng quê hẻo lánh. Thế nên 10-15 năm nữa, có lẽ cũng chẳng ai lên tiếng về việc xăm mình như hôm nay. Cá nhân mình khuyên các bạn trẻ không nên lạm dụng, không nên xăm các hình thù kỳ quái, dữ tợn, không xăm lên mặt hay cổ. Nếu các bạn xác định làm công việc công sở, tiếp khách, giao thương thì bạn không nên xăm ở vị trí đối phương dễ thấy được".
Nhấn mạnh việc đánh giá người khác qua hình xăm là một sai lầm, độc giả Thanh Trung Pham kết lại: "Năng lực chuyên môn hoặc sự chăm chỉ của một người không thể hiện qua hình xăm. Người có tri thức thể hiện ở trong cách sống và làm việc của họ. Không xăm mình cũng vẫn có thể đi trộm cắp, giết người, lừa đảo... Vậy nên, việc đuổi một nhân viên chỉ vì hình xăm cũng là một hình thức phân biệt . Có thể nói rằng, người sử dụng lao động đã không tôn trọng nhân viên. Nếu ở các nước phương Tây, thậm chí hành vi này đã vi phạm luật Lao động, và công đoàn sẽ phải tốn rất nhiều tiền để đền bù cho chi phí pháp lý là khác".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.