Xung quanh câu chuyện "Xử lý việc cố tình xăm hình để trốn nghĩa vụ quân sự", độc giả Tuta cho rằng quy định hiện hành tạo nhiều kẽ hở: "Xăm hình không phải đi nghĩa vụ quân sự là kẽ hở quá lớn để công dân đến tuổi trốn nghĩa vụ. Trong quản lý, chúng ta không thể động viên, tuyên truyền, hô hào, vì đây không phải là biện pháp mạnh để duy trì việc thực hiện luật pháp. Chính vì vậy, phải có biện pháp cụ thể, không chung chung rồi thực hiện thế nào cũng được như hiện nay. Tình trạng công dân đến tuổi sẵn sàng đi xăm để trốn tránh nghĩa vụ là việc làm quá dễ dàng, đề nghị quân đội ta hãy thận trọng hơn khi đưa ra chính sách tuyển quân, để có sự công bằng. Việc tuyển chọn ở thôn xóm liệu có phát sinh tiêu cực không cũng cần cân nhắc kỹ".
Đồng tình với quan điểm trên, bạn đọc Hoangksleduong nhấn mạnh: "Bây giờ đã là năm 2020 rồi. Tôi thấy quy định đã quá cũ, không còn phù hợp nữa, cần thay đồi ngay để phù hợp với xã hội. Theo quy định trên, những thanh niên đến tuổi nhập ngũ mà không muốn đi nghĩa vụ thì chỉ cần xăm ở những vị trí nằm trong khung quy định là xong, có thể ung dung trốn trách nhiệm. Điều này chỉ khiến cho thế hệ trẻ hôm nay, mai sau trở nên yếu đuối. Ngoài ra, cũng không còn đảm bảo sự công bằng.
Mọi người sẽ nghĩ như thế nào nếu như đất nước chúng ta hình thành ra một hoặc nhiều thế hệ mai sau toàn là những người xăm mình để "trốn nghĩa vụ"? Nghĩa vụ quân sự đã có ý nghĩa rất rõ ràng trong hình thức của cụm từ này rồi. Mục đích của việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là để trang bị cho người dân những kỹ năng cần thiết, cơ bản, để sống sót, chiến đấu khi đất nước có binh biến. Ngoài ra, còn rèn luyện cho người dân tính kỷ luật, ý thức trách nhiệm, sự đoàn kết và rất nhiều thứ khác.
Tôi thấy rằng, khi đã gọi là "nghĩa vụ" thì không cần biết anh là ai, xăm mình hay không, cũng đều phải thực hiện một cách đầy đủ trách nhiệm của bản thân, của một công dân đối với đất nước khi đến tuổi. Xong nghĩa vụ của mình rồi, anh muốn phát triển bản thân thế nào là do mỗi người lựa chọn. Con người phát triển, xã hội phát triển, nhưng luật lệ, quy định không thay đổi theo cho phù hợp thì sẽ tạo thành bất cập".
>> Sau nghĩa vụ quân sự kiến thức đại học có bị mai một?
Nói về những giải pháp ngăn chặn tình trạng thanh niên xăm mình để trốn nghĩa vụ quân sự, độc giả Văn Minh chia sẻ: "Giờ đang có trào lưu xăm mình để không phải đi nghĩa vụ quân sự, cho nên tôi đề nghị những thanh niên xăm trổ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự như người bình thường. Chúng ta có thể lập ra những đơn vị đặc biệt dành cho những thanh niên xăm trổ: có thể đưa đến những vùng kinh tế khó khăn để tăng gia sản xuất, kể cả cho đi phá đá mở đường cho nhân dân vùng sâu vùng xa... Nếu làm nghiêm, tôi đảm bảo sẽ thay đổi tư duy của giới trẻ trốn nghĩa vụ quân sự bằng cách xăm mình. Xăm hình không xấu, nhưng vì mục đích trốn tránh nghĩa vụ quân sự thì phải có biện pháp mạnh, chứ không để xăm là bỏ qua và người khác gánh vác thay".
Cùng chung nhận định, bạn đọc Nguyễn tuấn hoàng khẳng định: "Quy định như thế này là thiếu công bằng. Những trường hợp không xăm phải đi nghĩa vụ, còn những trường hợp dân xã hội, xăm để trốn nghĩa vụ lại không phải đi. Tôi đề nghị lọc những người nào đủ điều kiện, sức khoẻ, độ tuổi đều phải đi nghĩa vụ. Những trường hợp xăm mình, chúng ta có thể gom chung rồi cho vào một đơn vị để dễ quản lý, còn những trường hợp không xăm sẽ điều động như hiện tại về các đơn vị khác nhau".
Trong khi đó, độc giả Hung Phan lại gợi ý việc đưa các thanh niên xăm mình đi nghĩa vụ lao động thay cho nghĩa vụ quân sự: "Theo tôi, nên cho tất cả đi nghĩa vụ. Ai xăm thì làm dân công, ngoài rèn kỷ luật, lại được tăng cường lao động công ích, trồng rừng, dọn rác, trồng cây xanh đường phố, đắp đường cho vùng cao... Ít ra công tác huấn luyện cũng cho ra được một lực lượng quân dự bị. Song song với đó, nên tuyển quân chuyên nghiệp với mức lương xứng đáng, thời bình cần sòng phẳng với cống hiến chuyên nghiệp".
"Sao không đặt ra các nghĩa vụ công ích cho những đối tượng đủ sức khoẻ nhưng không đạt yêu cầu khác (về ngoai hinh, có hình xăm, thị lực không đạt...). Mục đích là để các nam công dân đều phải đóng góp cho xã hội theo các cách khác nhau. Ví dụ: phục vụ bệnh viện, giữ trật tự giao thông, vệ sinh môi trường và các việc công ích khác...Chế độ được hưởng với nhóm này cũng như khi đi nghĩa vụ quân sự. Họ có thể được quản lý tập trung ở địa phương mình hoặc địa phương khác", bạn đọc Vmt bổ sung thêm.
Trong khi đó, đề xuất biện pháp mạnh tay hơn, độc giả Phan Cảnh cho rằng: "Theo ý kiến của tôi, đối với các trường hợp xăm mình để trốn nghĩa vụ quân sự, nên có hình phạt nghiêm khắc. Ví dụ, người xăm mình vẫn bị buộc đi nghĩa vụ quân sự (phạt đi và không được hưởng bất kỳ chế độ nào như các thanh niên nhập ngũ bình thường). Sau khi hết thời gian nghĩa vụ, họ có thể được cho ra quân về với gia đình. Về lâu dài, chúng ta nên quy định rõ ràng, xử lý hình sự cụ thể đối với từng hình thức trốn nghĩa vụ quân sự để hành vi này không bị biến tướng mất kiểm soát".
Việt Thành tổng hợp
>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.