Sau thành công của các chương trình âm nhạc như Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai "say hi"... nhiều người hy vọng về tương lai của công nghiệp văn hóa Việt Nam - lĩnh vực được định hướng trở thành một trong những mũi nhọn tăng trưởng mới, đóng góp 7% GDP vào năm 2030 và 8% vào năm 2035. Công nghiệp văn hóa Việt Nam hiện đóng góp 4% GDP, tạo ra khoảng một triệu việc làm. Nhưng liệu những thành công này có phải sự trỗi dậy của nền công nghiệp văn hóa, hay chỉ là hiện tượng đơn lẻ, nỗ lực cá nhân?
Tôi cho rằng cơn sốt của những "Anh trai" chỉ là một hiện tượng có yếu tố nhất thời, thông qua chiến lược quảng bá và kêu gọi ủng hộ, sự tham gia của người dân địa phương, nghệ sĩ, và chiến dịch "đẩy view". Điều đó cho thấy một phần thành tích đến từ nỗ lực tập thể hơn là sức hút tự nhiên hoàn toàn.
Nó cũng tương tự các chiến dịch fandom, dễ đạt đỉnh cao ban đầu nhưng khó duy trì lâu dài. Người xem có thể đến vì truyền thông, vì tò mò, vì ủng hộ, vì sự mới lạ... trong thời gian đầu nhưng cơn sốt có thể nhanh chóng hạ nhiệt sau giai đoạn đó.
>> U50 'đu idol' anh trai, chị đẹp
Bên cạnh đó, sự phụ thuộc vào các trào lưu (trend), việc viral trên các nền tảng mạng xã hội và phản ứng quốc tế ban đầu có thể là hiệu ứng nhất thời, phụ thuộc vào xu hướng mạng xã hội hơn là giá trị âm nhạc bền vững. Nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta vẫn thiếu chiến lược so với các nền âm nhạc phát triển trên thế giới (có hệ thống công nghiệp bài bản).
Tóm lại, V-pop vẫn manh mún, phụ thuộc nhiều vào các cá nhân nghệ sĩ, hơn là phát triển bền vững nhờ một chiến lược dài hạn. Dù viral quốc tế, nhưng nên nhớ khán giả chính vẫn là người Việt và cộng đồng Việt kiều. Về khía cạnh này, có thể nói âm nhạc Việt Nam chưa thực sự chinh phục thị trường toàn cầu một cách thuyết phục.
Để trở thành 'sự trỗi dậy' thực sự thay vì những 'làn sóng' nhất thời, chúng ta cần thêm nhiều sản phẩm chất lượng giống như những gì Bắc Bling đạt được thời gian qua. Cùng với đó là một chiến lược dài hạn từ ngành âm nhạc nước nhà nói riêng và các sản phẩm văn hóa nói chung.
- Nghệ sĩ ngộ nhận 'không cần công chúng nuôi'
- 'Công chúng không nuôi nghệ sĩ'
- Nghệ sĩ 'ngáo' quyền lực
- Nghệ sĩ lấn sân
- Phẩm giá nghệ sĩ
- Nghệ sĩ tự phong nhờ 'mì ăn liền'