Con gái cố nhạc sư - bà Thu Anh - cho biết ông mất sau thời gian hôn mê. Nhạc sư vừa sang tuổi mới vào ngày 1/1 đầu năm. Đông đảo nghệ sĩ, học trò của nhạc sư cho biết thương tiếc và tri ân người thầy họ kính trọng.
Tiến sĩ Lê Hồng Phước - chuyên nghiên cứu ngành lịch sử văn hóa của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM - nói dù biết nhạc sư qua đời theo quy luật thời gian, anh vẫn bàng hoàng. Hồng Phước lần đầu gặp gỡ nhạc sư là vào năm 2015, khi anh vừa tu nghiệp ở Paris về nước. Từ đó đến khi ông qua đời, anh thường xuyên lui tới để thọ giáo ông về âm nhạc dân tộc.
Anh Hồng Phước nói: "Nếu tính cải lương ra đời vào năm 1918 thì tuổi đời của ông bằng với chiều dài phát triển của lịch sử cải lương. Ông là người duy nhất, thuộc thế hệ ban đầu của nền cải lương, sống vượt tuổi 100, trong khi những bậc tài danh đồng niên, như danh cầm Sáu Tửng - cha của nghệ sĩ Bạch Huệ - hay người thế hệ sau như thầy Ba Tu, đều mất. Thầy Vĩnh Bảo là nghệ nhân đóng nhạc cụ miền Nam cừ khôi, một nghệ sĩ trình tấu nhạc dân tộc tài ba, tinh tế. Đồng thời, ông là một nhà lý luận bậc thầy về âm nhạc dân tộc. Ông nghiên cứu sâu về nhạc dân tộc miền Nam, nhất là đàn tranh. Suốt 5 năm may mắn được gần gũi ông, tôi học hỏi rất nhiều, không chỉ âm nhạc mà còn về văn hóa dân tộc".
Cuối 2020, nhạc sư nhập viện chữa bệnh già. Đầu tháng 12/2020, khi được đưa về nhà, ông vẫn hôn mê. Nhiều học trò như Nghệ sĩ Ưu tú Văn Hai, đạo diễn Tấn Phát, tiến sĩ Lê Hồng Phước, nghệ sĩ Hải Phượng... từ TP HCM về thăm, quây quần bên giường bệnh, đàn hát, mong ông vượt bạo bệnh.
Lễ viếng nhạc sư bắt đầu từ 10h ngày 8/1 tại Câu lạc bộ hưu trí thành phố Cao Lãnh. Lễ di quan diễn ra vào 10h ngày 10/1, linh cữu được hỏa táng tại Nghĩa trang Quản Khánh.
Sinh thời, giáo sư Trần Văn Khê từng gọi thầy Vĩnh Bảo là 'hậu tổ' của đờn ca tài tử và cải lương Nam bộ. Nguyễn Vĩnh Bảo sinh 1918 tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (đơn vị hành chính thời Pháp thuộc) trong một gia đình nho học yêu đờn ca tài tử. Năm năm tuổi, ông đã biết chơi đàn kìm, đàn cò, 10 tuổi biết chơi thêm nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Ông là nhạc sư, nhà nghiên cứu âm nhạc, giáo sư giảng dạy âm nhạc truyền thống vừa là nhạc sĩ trình tấu, kiêm nghệ nhân đóng đàn. Ông cải tiến đàn tranh từ 16 dây thành đàn 17, 19 và 21 dây với kích thước và âm vực rộng hơn.
Từ năm 1955 cho đến năm 1964, ông dạy đàn tranh và cũng là trưởng ban nhạc cổ miền Nam tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ ở Sài Gòn. Ngoài ra, ông đi diễn thuyết và trình tấu âm nhạc dân tộc ở nhiều nơi trên thế giới.
Ông và giáo sư Trần Văn Khê là hai bậc thầy từng dành tâm huyết trọn đời nâng tầm nghệ thuật đờn ca tài tử. Năm 1972, ông và giáo sư Trần Văn Khê diễn tấu ghi âm đĩa Nhạc tài tử Nam bộ cho hãng Ocora và UNESCO tại Paris, Pháp. Từ năm 1970-1972, ông Nguyễn Vĩnh Bảo là giáo sư đặc biệt thỉnh giảng về đàn tranh tại Đại học Illinois, Mỹ. Trong quyển Những giai điệu cuộc đời, giáo sư Nguyễn Thuyết Phong viết: "Giữa hai giai đoạn lịch sử từ thời thuộc địa cho đến khi độc lập, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là viên gạch nối thật dài, thật lấp lánh. Thế hệ chúng tôi cần học hỏi, và mong những bài học đó sẽ lưu lại cho nhiều thế hệ mai sau".
Ông nhận giải thưởng Đào Tấn của Việt Nam năm 2005. Năm 2006, ông là nhạc sư hiếm hoi của Việt Nam, trong số sáu nhạc sư có tầm ảnh hưởng trên thế giới, được vinh danh tại hội thảo Dân tộc Nhạc học thế giới (Ethnomusicology) ở Honolulu (Mỹ). Năm 2008, nhạc sư Vĩnh Bảo được chính phủ Pháp tặng Huy chương nghệ thuật và văn học (Ordre des Arts et des Lettres) cấp bậc Officier. Năm 2014, ông nhận bằng khen của Thủ tướng chính phủ vì có thành tích trong việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ. Năm 2015, ông được trao tặng giải thưởng Phan Châu Trinh cho những đóng góp trong việc sưu tầm và truyền bá nhạc dân tộc.
Nhạc sư có hàng trăm môn sinh ở khắp nơi, từ các tỉnh thành trong nước đến châu Á, châu Âu, Australia, Mỹ. Ở tuổi bách niên, ông sử dụng mạng Internet thành thạo để dạy học. Những buổi online, dù cách xa nửa vòng trái đất, ông vẫn chỉnh sửa từng nốt nhạc, hòa đàn cùng học trò. Mỗi tuần, các học trò ghé thăm ông, nghe nhạc sư dạy những bản đàn mới. Cách sống nhẹ nhàng, thanh tao của ông vận vào tiếng đàn làm say lòng người. Có những ngón đàn từng được ông gảy hàng nghìn lần, khi dạo lại vẫn khiến người nghe xúc động.Nhạc sư từng thổ lộ: "Cũng lạ, đã có rất nhiều ông Tây bà đầm không chịu học đồ, rê, mi, fa, sol, la, si mà tìm tới tôi để học hò, xự, xang, xê, cống".
Qua gần một thế kỷ sống và dạy nhạc dân tộc, đàn tranh ở TP HCM, cuối tháng 5/2018, Nguyễn Vĩnh Bảo rời TP HCM trở về quê hương Đồng Tháp an hưởng tuổi già, sau hơn 70 năm xa quê. Ở tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn giữ trí nhớ tốt, chủ động trong nhiều sinh hoạt. Hồi giữa tháng 7/2019, Nguyễn Vĩnh Bảo trải qua cuộc phẫu thuật gây mê điều trị sạn hạch miệng. Các bác sĩ Bệnh viện răng hàm mặt Trung Ương TP HCM nỗ lực chữa trị cho ông. Sau ca mổ, sức khỏe nhạc sư hồi phục tốt. Hồi cuối tháng 5, ông ra mắt sách Những giai điệu cuộc đời, truyện ký về chặng đường gắn bó nhạc dân tộc của ông. Cuối tháng 9, ông còn dự sự kiện giỗ tổ ngành sân khấu ở quê nhà Cao Lãnh. Hôm 8/10, tỉnh dậy sau một ca phẫu thuật, ông còn hát được bài Bá Lý Hề điệu Tứ Đại Oán để tặng cho người mình thương mến.
Nguyễn Vĩnh Bảo từng tâm sự, cuối đời, ông không mong có một buổi hòa nhạc lớn cho riêng mình, cũng không mong tên tuổi được vinh danh, chỉ muốn lưu giữ những nét nhạc cổ truyền nguyên bản nhất cho thế hệ trẻ hơn. Toàn bộ tư liệu sự nghiệp của ông hiện được giữ trong nhà lưu niệm, nằm ở khuôn viên Bảo Tàng tỉnh Đồng Tháp. Nhiều đầu sách về âm nhạc, cách dạy đàn tranh, băng đĩa các loại, những bài báo trong và ngoài nước viết về nhạc sư, những tư liệu trao đổi qua lại giữa ông và cố Giáo sư Trần Văn Khê cùng học trò, thủ bút đến những bài giảng, huân chương, bằng khen trong và ngoài nước... ghi nhận một quá trình nghệ thuật bền bỉ.
Sinh thời, ông nổi tiếng với mối tình hơn 80 năm cùng vợ - bà Trâm Anh, người đẹp Sóc Trăng một thời. Yêu bà, ông đặt tên tất cả con theo tên vợ, từ Thu Anh, Trung Anh, Tam Anh, Tùng Anh, Tú Anh, Tiến Anh, Tường Anh. Năm 2014, sau 68 năm chung sống, vợ ông qua đời, để lại ông cho các con phụng dưỡng. Nhạc sư viết về vợ: "Đôi lúc tôi ngẫm cuộc đời mình nếm trải biết bao ngọt bùi, cay đắng. Tôi cố gắng để vượt qua những chặng đường thật khó khăn, phải biết chấp nhận thay vì chỉ biết than khóc, buông xuôi. May mắn tôi gặp người bạn đời Trâm Anh yêu quý. Trâm Anh đã mang đến cho tôi bao nguồn cảm hứng từ sự ngọt ngào, dịu dàng và cả nghị lực".
Thoại Hà - Tam Kỳ