"Với tôi, ông luôn hiện hữu", Kim Cương trầm tư khi dự sự kiện 99 năm ngày sinh cố giáo sư - tiến sĩ Trần Văn Khê (1921-2015), sáng 24/7. Có cơ duyên được tiếp xúc nhiều nhân vật tên tuổi trong đời, nhưng với Kim Cương, cuộc hạnh ngộ may mắn nhất là khi gặp giáo sư Trần Văn Khê tại Pháp năm 1960. Lúc đó, bà chân ướt chân ráo, một mình du học. Cố giáo sư vốn là chỗ thân tình với mẹ bà - cố nghệ sĩ Bảy Nam, Năm Phỉ (dì ruột Kim Cương) vì cùng quê Mỹ Tho.
Những năm ở xứ người, giáo sư Khê như ngọn đèn dẫn lối cho bà. Ông thường gọi bà bằng em, xưng là anh Hai. Vốn là nhân vật uy tín trong Hội đồng Âm nhạc Quốc tế, Unesco, ông dắt bà khắp nơi học hỏi. Theo chân ông, bà được tìm tòi về các rạp hát, phim trường, vào tận hậu trường, học tập không chỉ kỹ năng diễn xuất mà còn ở lối tổ chức, quản lý. Đi tới đâu, ông đều nói: "Em phải nhớ, nền văn hóa nào cũng có gốc gác, quê hương. Nghĩa là, em học cái hay, cái giỏi của nước người, nhưng đừng bao giờ quên tính dân tộc trong người mình". Câu đó ám ảnh Kim Cương, trở thành kim chỉ nam trong 60 năm làm nghề của bà. Khi Kim Cương về nước dựng vở kịch kinh điển của Pháp - Trà hoa nữ, người đầu tiên bà mời đến xem là giáo sư Khê. Vở hạ màn, ông quay sang Kim Cương, thốt lên: "Em của anh", rồi hôn má bà thay lời cảm ơn vì dựng một vở Tây nhưng đậm tính Việt.
Điều bà nhớ nhất về giáo sư Khê là những bài học đối nhân xử thế. Khoảng năm 1974, Kim Cương và cố nghệ sĩ Phùng Há dự Liên hoan nhạc kịch thế giới ở Hamburg (Đức). Hai nghệ sĩ diễn lại vở Phụng Nghi Đình, dưới phần đệm đàn của giáo sư Khê. Vượt qua hơn 80 quốc gia, hai nghệ sĩ Việt đoạt hạng nhất. Sau hội thi, một số nam đồng nghiệp ở nước bạn ấn tượng với Kim Cương, mời bà đi uống cà phê, tham quan thành phố. Với vẻ háo hức, bà hỏi ý kiến giáo sư. Ông ôn tồn: "Ra nước ngoài mà được bạn bè tiếp đón thì tốt, anh Hai rất hoan nghênh. Nhưng em nhớ em đi chuyến này với tư cách đại diện cho nghệ sĩ Việt, phải giữ kẽ chứ không xem như những cuộc hẹn bình thường". Trong hồi ký sau này, bà dành trọn một chương viết về giáo sư với tên - Người thầy không lớp học.
Thành Lộc kể anh có cơ duyên gặp giáo sư Trần Văn Khê khi còn rất nhỏ. Trong một buổi họp mặt nghệ sĩ hát bội, anh được cha - cố nghệ sĩ Thành Tôn - dẫn đến gặp nhiều đồng nghiệp của cha, trong đó có giáo sư Khê. Ấn tượng của anh về giáo sư là gặp nghệ sĩ nào cũng chắp tay chào hỏi, dạ thưa, bất kể người đó nhỏ tuổi hơn ông. Anh bèn hỏi cha nên thưa với ông là chú hay bác. Nghệ sĩ Thành Tôn nói: "Con gọi là bác đi, đừng gọi là chú. Dù nhỏ tuổi hơn cha, ông ấy giỏi hơn cha nhiều lắm". Theo dõi cuộc gặp, Thành Lộc nhận ra, giáo sư Khê và các đồng nghiệp cúi đầu chào nhau để thể hiện sự kính trọng, ngưỡng vọng nhau trong nghề, chứ không phân biệt tuổi tác.
Sau này, khi công diễn vở Bí mật vườn Lệ Chi, Thành Lộc mời giáo sư Khê đến xem. Vở kết thúc, ông vào tận hậu trường, ôm anh và khóc. Ông khóc vì câu chuyện bi thương của tác phẩm và vì êkíp Idecaf dựng nên một vở đậm tính dân tộc.
Với Thành Lộc, sự kính ngưỡng anh dành cho cố giáo sư là tinh thần học tập. Dẫu là tiến sĩ âm nhạc, một đời gặt hái vô số huy chương, giải thưởng, ông vẫn miệt mài đến xem các vở kịch, đêm nhạc. Có lần, anh hỏi: "Bác đi vậy hoài không mệt sao?". Ông đáp: "Trời ơi, làm sao mệt được hả con? Một, hai năm mình không ra ngoài quan sát, học hỏi, mình đã ngu hơn người ta nhiều lắm".
Nhóm thân hữu của giáo sư Trần Văn Khê tiếc nuối khi di nguyện của ông dang dở. Ông từng mong căn nhà nơi ông sống 10 năm, ở số 32 Huỳnh Đình Hai (quận Bình Thạnh), sẽ trở thành nhà lưu niệm, trưng bày sách, nhạc cụ và tài liệu cho những ai đam mê âm nhạc dân tộc. Ngôi nhà nay được bàn giao cho Trung tâm Bảo tồn di tích, thuộc Sở Văn hóa Thể thao TP HCM. Kho tài liệu, sách vở của ông được đưa về Thư viện Tổng hợp của thành phố. Các di vật, một phần đang được gia đình bảo quản, phần nằm trong kho lưu trữ của Bảo tàng TP HCM, phục vụ cho các sự kiện tưởng niệm ông.
Nhà báo Nguyễn Thế Thanh - thành viên nhóm thân hữu - cho biết chưa có câu trả lời chính xác về việc khi nào nhà lưu niệm Trần Văn Khê được thành lập. Do vậy, khi ban lãnh đạo Đại học Văn lang (TP HCM) đề nghị nhóm thân hữu mở một không gian trưng bày về Trần Văn Khê tại khuôn viên trường, họ nhất loạt đồng ý. Địa điểm sẽ trở thành nơi tưởng niệm giáo sư vào ngày sinh, ngày mất, nơi tổ chức các chuyên đề về âm nhạc dân tộc.
Di nguyện thứ hai của giáo sư Khê - dùng tiền phúng điếu gồm 700 triệu đồng từ tang lễ của ông làm quỹ học bổng văn hóa - đang được xúc tiến. Hồ sơ thành lập quỹ đang được hoàn tất. Dự kiến quỹ sẽ ra mắt năm 2021 - đúng dịp 100 năm ngày sinh của giáo sư. Ban lãnh đạo Đại học Văn Lang cũng góp thêm vào quỹ số tiền dự tính là 1,6 tỷ đồng. Bà Thanh nói: "Từ đây, di sản của Trần Văn Khê tiếp tục nối dài, đúng như nguyện vọng cả đời của ông: Âm nhạc nghệ thuật Việt Nam sẽ rộng khắp năm châu, sâu trong dân tộc".
Giáo sư Trần Văn Khê (1921-2015) sinh ra trong gia đình có bốn đời là nhạc sĩ truyền thống tại Mỹ Tho (nay thuộc Tiền Giang). Năm sáu tuổi, ông đã biết đàn kìm, đàn cò, đàn tranh. Gia đình ông có nhiều nhân vật là những nghệ nhân âm nhạc cổ truyền nổi tiếng, như: ông nội Trần Quang Diệm, cha là ông Trần Quang Chiêu và cô của ông là Trần Ngọc Viện - người sáng lập gánh cải lương Đồng Nữ Ban.
Trần Văn Khê sang Pháp du học từ năm 1949. Hè năm 1951,ông thi đậu vào trường Chính trị Khoa giao dịch quốc tế. Cho đến năm 1958, ông theo học khoa nhạc học và chuẩn bị luận án tiến sĩ dưới sự chỉ đạo của các Giáo sư Jacques Chailley, Emile Gaspardone và André Schaeffner. Tháng 6/1958, ông đậu Tiến sĩ Văn khoa (môn Nhạc học) của Đại học Sorbonne. Từ năm 1963, ông dạy trong Trung tâm Nghiên cứu nhạc Đông phương, dưới sự bảo trợ của Viện Nhạc học Paris (Institut de Musicologie de Paris).
Ông là thành viên của Viện Khoa học Pháp, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm châu Âu về Khoa học, Văn chương và Nghệ thuật cũng như nhiều hội nghiên cứu âm nhạc quốc tế. Ông là Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện quốc tế nghiên cứu âm nhạc bằng phương pháp đối chiếu của Đức. Có 43 nước trên thế giới đã mời Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê thuyết trình và biểu diễn âm nhạc truyền thống Việt Nam. Trong hơn nửa thế kỷ sinh sống và làm việc ở nước ngoài, giáo sư Khê luôn đau đáu việc làm thế nào giữ gìn và phát huy âm nhạc dân tộc Việt Nam. Những hoạt động giảng dạy, diễn thuyết không ngừng nghỉ của ông suốt hơn 50 năm góp nhiều công sức đưa âm nhạc dân tộc Việt Nam đi vào bản đồ âm nhạc thế giới. Cho đến khi quay về Việt Nam sống, ở tuổi hơn 90, ông vẫn miệt mài tiếp tục công việc này. Giáo sư Trần Quang Hải, con trai ông, cũng là một nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Việt Nam danh tiếng.
Mai Nhật