Hôm 8/12, nghệ sĩ Hải Phượng từ TP HCM về thăm thầy. Bên giường bệnh, chị đàn khúc Lưu thủy trường - bản nhạc chị từng song tấu cùng ông. Kết thúc, chị ghé sát mặt nhạc sư, hỏi nhỏ: "Thầy nhớ con không?". Bà Thu Anh - con gái nhạc sư - cho biết so với vài hôm trước, lúc từ bệnh viện về nhà, sức khỏe ông giảm sút, tâm trí mê man. Bà hy vọng tiếng đàn của học trò giúp ông tỉnh táo hơn, vực dậy tinh thần.
Con gái nhạc sư cho biết hôm 4/12, ông hôn mê khi được đưa từ bệnh viện về nhà. Nhiều học trò như Nghệ sĩ Ưu tú Văn Hai, đạo diễn Tấn Phát, tiến sĩ Lê Hồng Phước cùng quây quần bên giường bệnh, đàn hát cho ông nghe. Theo lời người nhà, ông bất ngờ từ từ mở mắt, môi mấp máy. Khi học trò chào tạm biệt ông, định ra về, ông chợt nhận ra và gọi tên từng người. Nhạc sư thều thào: "Cảm động lắm". Sau lần đó, ông khỏe hơn, uống được sữa. Đạo diễn Tấn Phát nói: "Vẫn biết là quỹ thời gian của người 103 tuổi như thầy bây giờ không còn nhiều, thậm chí là vô cùng ít ỏi. Thế nhưng, thầy tỉnh lại được, khỏe thêm được chút nào, học trò mừng chừng nấy".
Hay tin nhạc sư bạo bệnh, nhạc sĩ Hoài An sáng tác ca khúc Tiếng đờn từ trăm năm - để tặng ông, người từng dìu dắt anh đến với âm nhạc cổ truyền. Anh viết nhạc phẩm trong một buổi tối, đến hai giờ sáng thì hoàn thành. Ca khúc được sáng tác theo hợp âm tiếng đàn kìm, ca ngợi một đời tâm huyết với tiếng đàn dân tộc của nhạc sư Vĩnh Bảo:
"...Nghe tiếng đờn ai rao mấy câu
Nỉ non cung sầu, ôn chuyện xưa
Đờn dưới trăng. Thương nhớ bậu
Đi qua thời cuộc bể dâu
Sau bao mưa nắng dãi dầu
Đôi tay nếp nhăn in hằn
Rung, nhấn... tiếng đờn dẫn chuyện trăm năm...
Chuyện từ dân ca, điệu lý câu hò
Từ đời ông cha... tiếng lòng người phương Nam...".
Nguyễn Vĩnh Bảo sinh 1918 tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (đơn vị hành chính thời Pháp thuộc) trong một gia đình nho học yêu đờn ca tài tử. Từ 5 tuổi, ông đã biết chơi đàn kìm, đàn cò, 10 tuổi biết chơi rất nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Ông là nhạc sư, nhà nghiên cứu âm nhạc, giáo sư giảng dạy âm nhạc truyền thống vừa là nhạc sĩ trình tấu, kiêm cả nghệ nhân đóng đàn. Ông là người cải tiến đàn tranh từ 16 dây thành đàn tranh 17, 19 và 21 dây với kích thước và âm vực rộng hơn.
Từ năm 1955 cho đến năm 1964, ông dạy môn đàn tranh và cũng là trưởng ban nhạc cổ miền Nam tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ ở Sài Gòn. Ngoài ra, ông đi diễn thuyết và trình tấu âm nhạc dân tộc Việt Nam ở nhiều nơi trên thế giới.
Ông và giáo sư Trần Văn Khê đã cùng nhau nâng tầm nghệ thuật đờn ca tài tử Việt Nam. Năm 1972 ông cùng giáo sư Trần Văn Khê diễn tấu ghi âm đĩa Nhạc tài tử Nam bộ cho hãng Ocora và UNESCO tại Paris (Pháp). Từ năm 1970-1972 Nguyễn Vĩnh Bảo là giáosư đặc biệt thỉnh giảng về đàn tranh tại Đại học Illinois (Mỹ). Giáo sư Nguyễn Thuyết Phong viết: "Giữa hai giai đoạn lịch sử từ thời thuộc địa cho đến khi độc lập, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là viên gạch nối thật dài, thật lấp lánh. Thế hệ chúng tôi cần học hỏi, và mong những bài học đó sẽ lưu lại cho nhiều thế hệ mai sau".
Qua gần một thế kỷ sống và dạy nhạc dân tộc, đàn tranh ở TP HCM, cuối tháng 5/2018, Nguyễn Vĩnh Bảo rời TP HCM trở về quê hương Đồng Tháp an hưởng tuổi già, sau hơn 70 năm xa quê. Ở tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn giữ trí nhớ tốt, chủ động trong nhiều sinh hoạt. Hồi giữa tháng 7/2019, Nguyễn Vĩnh Bảo trải qua cuộc phẫu thuật gây mê điều trị sạn hạch miệng. Các bác sĩ Bệnh viện răng hàm mặt Trung Ương TP HCM nỗ lực chữa trị cho ông. Sau ca mổ, sức khỏe nhạc sư hồi phục tốt.
Hồi cuối tháng 5, ông ra mắt sách Những giai điệu cuộc đời, truyện ký về chặng đường gắn bó nhạc dân tộc của ông. Cuối tháng 9, ông còn dự sự kiện giỗ tổ ngành sân khấu ở quê nhà Cao Lãnh. Hôm 8/10, tỉnh dậy sau một ca phẫu thuật, ông còn hát được bài Bá Lý Hề điệu Tứ Đại Oán để tặng cho người mình thương mến.
Mai Nhật