"Quan điểm cá nhân của tôi về chuyện chia thừa kế là tài sản của cha mẹ thì cha mẹ muốn cho ai cũng được, kể cả người dưng. Tuy nhiên, nếu không có lý do gì quá đặc biệt thì nên mặc định là chia đều, con trai cũng như con gái.
Tất nhiên, có thể linh động trong một số tình huống cụ thể, cho phần nhiều hơn cho: đứa con không may bị tật nguyền, bệnh hiểm nghèo, tại nạn; đứa con sau này hy sinh thời gian, sự nghiệp chăm sóc bố mẹ; đứa con cống hiến công sức vào tài sản chung của gia đình; đứa con không may sinh ra lúc gia đình nghèo khó, không được ăn học đầy đủ, vất vả vào đời sớm...
Nhưng tôi đặc biệt không đồng tình với quan điểm cho đứa con nghèo phần nhiều hơn. Đứa con giàu có cũng là dựa vào nỗ lực của bản thân nó, nếu cha mẹ lấy đó làm lý do để không cho, hoặc chia thừa kế ít hơn những đứa con khác thì không thỏa đáng.
Ví dụ, một đứa cố gắng học hành, ra đời làm hai, ba công việc một lúc, vay mua nhà sớm, còng lưng trả nợ, nên tới 40 tuổi có nhà cửa sung túc. Còn đứa khác làm việc tàn tàn, chỉ lo du lịch 'chữa lành', hưởng thụ sớm nên tới giờ vẫn không có nhà. Trường hợp này, cá nhân tôi sẽ vẫn cho hai đứa phần như nhau. Khi nào đứa con giàu hơn tự nguyện nhường lại cho đứa con nghèo kia một phần, thì tôi sẽ làm theo ý nó.
Gia đình tôi (ba mẹ và ông bà) ba đời luôn chia đều tài sản thừa kế cho các con như vậy. Đơn giản vì đã được sinh ra như nhau, chui ra khỏi bụng mẹ như nhau thì sẽ có điều kiện vào đời như nhau. Chuyện giàu hay nghèo đều là nỗ lực cá nhân của mỗi người. Còn tài sản của ba mẹ thì phải công bằng nhất có thể. Không phân biệt trai hay gái, sang hay hèn, giỏi hay dở, ở xa hay ở gần, cứ chung huyết thống, vai vế là chia đều từng tí một.
>> Con trai nhận một nửa tài sản thừa kế dù có bốn anh chị em
Bên nội tôi có một bác mất sớm, nên con của bác sẽ lên hưởng thay phần đó. Có bác sống ở nước ngoài gần 50 năm, cũng được ông bà gọi về chia đều tài sản. Khi bác mất, phần đó sẽ được đề lại y nguyên cho các con của bác hưởn, dù anh chị đều là người mang quốc tịch nước ngoài (sinh bên đó). Vì không phải công dân Việt Nam nên họ vẫn chưa đứng tên tài sản được. Dòng họ tôi cử người uy tín đứng tên hộ và cam kết sẽ trả lại hoặc bán quy đổi ra tiền để chuyển cho họ bất cứ khi nào họ cần.
Nhiều người nói 'chia cho con gái ít vì nó phải theo chồng, hưởng tài sản nhà chồng'. Nhưng tôi lấy ví dụ: ban đầu bố mẹ có quan điểm chia cho hai người con trai nhiều, còn con gái ít. Sau đó ông bà qua đời. Rồi người con gái ly hôn (lỗi do chồng), giờ thành trắng tay vì không có gì từ cả nhà nội lẫn nhà ngoại. Trong khi người con trai dù có ly hôn hay không cũng vẫn còn đầy đủ tài sản của cha mẹ. Vậy có gọi là công bằng không?
Vì lẽ đó, tôi đã lên sẵn kế hoạch: đến đời mình thì ít nhất là chia đều tài sản thừa kế cho cả con trai lẫn con gái. Nếu vẫn còn dư một khoản nhỏ thì tôi sẽ ưu tiên cho con gái nhiều hơn".
Đó là quan điểm chia thừa kế của độc giả Quoc Khanh sau bài viết "Tôi cho con gái 50% tài sản thừa kế trước khi đi lấy chồng". Bạn có đồng tình với cách làm này?
Bạn sẽ chia thừa kế như thế nào? Bình chọn và chia sẻ quan điểm tại đây.
- 'Tôi như bát nước đổ đi khi cha mẹ cho con trai thừa kế hết tài sản'
- Tôi nhất quyết chia thừa kế cho con trai nhiều hơn con gái
- Cô tôi giành đất thừa kế đến cùng từ mẹ và các em trai
- Tám anh em tôi tự chia thừa kế vì cha mẹ không lập di chúc
- Em trai trở mặt từ ngày được thừa kế toàn bộ nhà, đất
- Tan cửa nát nhà sau 10 năm giành đất của anh trai