"Bố mẹ tôi nói thẳng mấy lần rằng toàn bộ tài sản sẽ để lại cho em trai tôi. Còn tôi là con gái, đi lấy chồng rồi sẽ được hưởng bên nhà chồng. Tôi cảm giác mình như một bát nước bị hắt đi. Những lúc mẹ tôi ốm đau, bà vẫn gọi tôi về chăm sóc. Bà kêu đau liên tục khiến tôi mấy hôm liền bị stress (do tôi hay bị mệt và phải tiếp nhận thông tin tiêu cực liên tục, đồng thời cũng uất ức vì bị phân biệt đối xử).
Bà thường nói với tôi mấy câu theo kiểu: 'Đẻ con ra thì con cái phải có trách nhiệm báo hiếu cha mẹ'. Trong khi đó, bà bảo em trai tôi rằng 'cứ tiếp tục làm việc, không cần về vì bà đỡ rồi'.
Có lần, mẹ tôi ngã xe, không đi được, cả hai đứa tôi cùng về thăm. Trong khi em trai tôi nằm thoải mái xem TV dưới nhà, thì tôi lại phải túc trực bên cạnh, lấy cái này, cái kia cho mẹ. Vậy mà trong mắt bố mẹ, họ vẫn xem là được nhờ em trai tôi (vì em tôi làm ra tiền gửi về biếu thường xuyên). Còn tôi dù cũng muốn làm vậy nhưng vì là phụ nữ, chủ yếu ở nhà nội trợ nên chẳng có tiền gửi về.
Tôi rất buồn và tủi thân vì điều đó. Nói thật, tôi không muốn có trách nhiệm gì khi bố mẹ ốm đau nữa, kể cả việc chăm sóc họ. Vì đằng nào em trai tôi cũng sẽ được hưởng hết tài sản thừa kế. Nhưng nhiều lúc, tôi lại tự an ủi rằng mình là phận con, sao nỡ đành để mặc cha mẹ".
Đó là chia sẻ của độc giả Aaa về quan điểm phân chia tài sản thừa kế sau bài viết "Tôi nhất quyết chia thừa kế cho con trai nhiều hơn con gái".
Tuy nhiên, không đồng tình với quan điểm trên, bạn đọc Hồng Hà lại có suy nghĩ khác về việc chia thừa kế cho con trai nhiều hơn con gái: "Con trai nặng gánh trách nhiệm gia đình và dòng họ, nên được chia nhiều hơn là dễ hiểu. Con gái là con người ta, lấy chồng phải lo việc nhà chồng, có hưởng thừa kế thì cũng hưởng từ nhà chồng rồi.
Mặc ai nói gì thì nói, bố mẹ về già thì có nương tựa vào con trai và con dâu vẫn dễ dàng hơn là nương tựa vào con gái và chàng rể. Con trai và con dâu có thể chăm bố mẹ già ròng rã từ năm này qua năm khác, chứ con gái và con rể chỉ có thể chăm được vài ngày mỗi tháng rồi thôi chứ chẳng thể như con trai được.
Thế nên, quyết định chia thừa kế cho con trai nhiều hơn là chính xác".
>> Cô tôi giành đất thừa kế đến cùng từ mẹ và các em trai
Trong khi đó, độc giả GT lại chọn cách chia đều tài sản: "Chia thế nào là quyền của mỗi người, thậm chí nếu bạn không chia cho các con mà mang đi làm từ thiện hết cũng chẳng sao, vì khi các con trưởng thành thì bạn hết trách nhiệm chu cấp cho con rồi. Tuy nhiên, nếu là tôi thì tôi sẽ chia đều cho ba đứa vì con nào cũng là con, tôi đều yêu quý chúng như nhau và việc chia đều cũng là để chứng tỏ việc đó.
Tôi cũng không ép đứa nào phải sống với mình và chăm sóc mình lúc về già, chỉ muốn chúng sau này yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Đã có bao vụ anh em đánh cãi nhau, thậm chí đánh nhau chỉ vì bố mẹ khi phân chia tài sản thiên vị con này hơn con kia rồi".
Lựa chọn chia tài sản thừa kế theo công sức chăm sóc cha mẹ già, bạn đọc Trada bình luận: "Tôi là con trai út, trên tôi có ba chị gái. Ba mẹ và các chị tôi cũng mặc đinh nhà đất sau này là của tôi. Nhưng khi tôi rời quê Đồng Tháp lên Sài Gòn học và làm việc, rồi lập gia đình, tôi đã nói với cả nhà rằng 'người nào chăm lo cho ba mẹ tới khi nhắm mắt xuôi tay thì phải cho người đó thừa kế', mặc dù ba mẹ đã cho cả bốn chị em những tài sản khác. Tôi quan niệm mình đi xa, không thể lo cho ba mẹ nên ai chăm lo nhiều thì hãy cho người đó hưởng vì công lao bỏ ra. Mong mọi người đừng phân biệt gái hay trai".
- Tan cửa nát nhà sau 10 năm giành đất của anh trai
- Chị em gái nuôi cha mẹ già dù anh cả thừa kế nhà đất
- Hai anh em tán gia bại sản sau khi giành đất của 4 chị em gái
- Nhà chia đều cho năm anh chị em dù một mình tôi nuôi cha mẹ
- Hai anh em trai dọa chém, giành đất của bốn chị em gái
- Phải cho các em gái 1,4 tỷ mới được nhận nhà thừa kế của cha mẹ