Thông tin trên được tiết lộ bởi hai quan chức chính phủ giấu tên, hôm 26/4. Theo đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tập trung ủng hộ vaccine nội địa. Trong tháng 4, chính phủ đã trả tiền trước cho các nhà sản xuất vaccine trong nước để đảm bảo nguồn cung.
Trước những chỉ trích về cách chống dịch, Thủ tướng Modi cho phép tất cả người trưởng thành được tiêm phòng từ tháng 5, nhưng nguồn vaccine "cây nhà lá vườn" đang dần cạn kiệt. Khi số ca Covid-19 tăng vọt, chính quyền Modi thúc giục Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson (J&J) xin cấp quyền phân phối vaccine của họ tại Ấn Độ, đồng thời nới lỏng quy định cho các hãng dược này.
Tuy nhiên, việc mua bán với các công ty nước ngoài sẽ phụ thuộc vào các bang và doanh nghiệp. Phía chính phủ sẽ chỉ mua vaccine từ các nhà sản xuất trong nước như Viện Huyết thanh Ấn Độ, nơi làm ra vaccine AstraZeneca, và công ty Bharat Biotech, đơn vị sản xuất vaccine Covaxin.
Maharashtra, bang giàu nhất nhưng cũng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, thông báo sẽ nhập khẩu vaccine. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nhiều bang nghèo hơn có thể bị tụt lại phía sau nếu không được chính phủ hỗ trợ để nhập vaccine từ nước ngoài.
Pfizer cho biết công ty đang thảo luận với chính quyền Modi về vaccine. J&J đã xin cấp phép để tiến hành một thử nghiệm nhỏ tại Ấn Độ nhưng chưa có kế hoạch phân phối sản phẩm ở nước này. Moderna không đưa ra bình luận nào.
Đến nay, Ấn Độ đã triển khai gần 140 triệu liều cho lực lượng tuyến đầu và những người trên 45 tuổi. Khoảng 118 triệu người được tiêm ít nhất một liều vaccine, tương đương khoảng 1/10 dân số của đất nước 1,35 tỷ dân.
Kaushik Basu, giáo sư tại Đại học Cornell, Mỹ, đồng thời là cựu cố vấn kinh tế của chính phủ Ấn Độ, cho biết: "Thật là bi thảm. Đối với một quốc gia được mệnh danh là nhà thuốc của thế giới, chỉ có dưới 1,5% dân số được tiêm đầy đủ là một thất bại khó hiểu".
Ấn Độ là nhà cung cấp thuốc gốc lớn nhất trên thế giới và là một trong những nhà sản xuất vaccine lớn, cung cấp 60% vaccine cho thị trường thế giới. Ngành công nghiệp dược phẩm của Ấn Độ đứng thứ ba trên thế giới về sản lượng và đứng thứ mười về giá trị. Tổng quy mô toàn ngành ước tính khoảng 43 tỷ USD trong giai đoạn 2019-2020 và có khả năng đạt 55 tỷ USD vào năm 2022.
Hôm 26/4 là ngày thứ năm liên tiếp Ấn Độ lập kỷ lục thế giới về số ca nhiễm trong ngày, với 354.531 ca, đưa tổng số ca mắc lên 17.306.300 và 2.806 người tử vong, đẩy số người chết vì nCoV lên 195.116. Các nước như Anh, Đức, Mỹ đang khẩn trương gửi cứu trợ cho các bệnh viện Ấn Độ.
Mai Dung (Theo Reuters)