Rajkot là một trong những thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi làn sóng Covid-19 lần này tại Ấn Độ. Bác sĩ Vivek Jivani, 30 tuổi, làm việc khoa chăm sóc tích cực (ICU) tại một bệnh viện tư ở Rajkot. Những ngày qua, để xoa dịu nỗi tuyệt vọng và bất lực, ngày nào bác sĩ Jivani cũng dành 10 phút để cầu nguyện.
"Bệnh nhân qua đời vì những nguyên nhân vượt ngoài tầm kiểm soát của tôi. Mỗi khi có người mất trong ca trực của mình, tôi đều tự nhủ phải cố gắng hơn với những bệnh nhân sau", Jivani chia sẻ.
Nhiều nhân viên y tế tại Ấn Độ đang rơi vào tình trạng kiệt sức, tức giận, buồn ngủ, đói, lo sợ, tuyệt vọng và mệt mỏi.
Theo Jalil Parkar, bác sĩ khoa hô hấp tại Bệnh viện Lilavati ở Mumbai, đội ngũ y tế đã quen với Covid-19. Nhưng lần này, số bệnh nhân tăng chóng mặt, biến thể mới của virus, tình trạng bệnh lý suy giảm nhanh chóng, nỗi sợ hãi khủng khiếp bao trùm và nguồn lực hạn chế đã dồn áp lực vô cùng lớn lên các y bác sĩ. Tình hình nghiêm trọng hơn hẳn đợt bùng phát thứ nhất, tới nỗi bác sĩ Parkar ví làn sóng dịch lần này như Thế chiến thứ hai.
Khi dịch bệnh lắng xuống vào tháng 12/2020, các quan chức, người dân và nhân viên y tế đã lơ là cảnh giác. Những chiếc khẩu trang bị bỏ quên, những cuộc biểu tình, lễ hội và đám cưới đã đẩy Ấn Độ đến tình cảnh hiện nay, theo bác sĩ Parkar.
Ấn Độ ghi nhận khoảng 347.000 ca nhiễm mới và hơn 2.500 người chết hôm 25/4, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 17.306.300 và số người chết lên 195.116. Thủ đô New Delhi là nơi chịu tổn thất nặng nề, với 24.331 ca và 348 người tử vong vào ngày 23/4.
Tại Bệnh viện Indraprastha Apollo ở Delhi, bác sĩ nội khoa S. Chatterjee, 56 tuổi, cho biết ông đang kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần. Một ngày làm việc của ông kéo dài 18 tiếng, khiến ông không có thời gian ăn uống và nghỉ ngơi. Chatterjee phải chăm sóc 90 bệnh nhân Covid-19, đồng thời tư vấn trực tuyến cho những người khác.
10 ngày qua, vị bác sĩ chỉ được ngủ nhiều nhất bốn tiếng mỗi ngày. "Delhi có cơ sở vật chất tốt nhất cả nước. Dù vậy, sẽ thật khó tin nếu thủ đô có thể vượt qua chuyện này", bác sĩ Chatterjee nhận xét.
Trong một tuần nay, bác sĩ Jivani nhận được từ 200 đến 300 cuộc gọi hỏi về giường bệnh còn trống, nơi mua thuốc trị Covid-19 Remdesivir. Bệnh nhân, người nhà phải cầu xin giường và thuốc men. Họ thậm chí tìm đến chợ đen, nơi giá thuốc bị đẩy lên gấp sáu lần.
Do tình trạng thiếu hụt oxy, Rajendra Prasad, bác sĩ phẫu thuật thần kinh và cột sống tại Bệnh viện Indraprastha Apollo, kể rằng nhân viên y tế phải ưu tiên bệnh nhân nào nặng hơn và cần oxy hơn. "Đây là những lựa chọn chúng tôi chưa từng phải đối mặt", ông Prasad cho biết.
Ngay cả những người từng phục vụ trong chiến tranh cũng cảm thấy khó khăn. Bác sĩ Reshma Tewari, trưởng khoa điều trị tích cực tại Bệnh viện Artemis ở Gurgaon, là một ví dụ.
Từng làm việc trong một bệnh viện quân đội vào năm 1999, khi chiến tranh giữa Ấn Độ và Pakistan nổ ra ở Kashmir, bà Tewari nhận xét: "Lúc này, các bệnh viện bị cuốn vào tình cảnh tương tự như thời chiến vậy". Mỗi ngày, bác sĩ Tewari phải cùng những người khác đi kiểm tra lượng oxy. "Dù không phải là người dễ lung lay tinh thần, tôi cảm thấy rất buồn", bà cho hay.
Theo các chuyên gia, số bệnh nhân bị khó thở và nồng độ oxy giảm cao hơn so với đợt dịch thứ nhất. Trước nhu cầu nhập viện tăng cao, đa số cơ sở y tế chỉ tiếp nhận người có triệu chứng nghiêm trọng và bệnh nền. Bác sĩ Vivek Shenoy tại Bệnh viện Rajshekhar ở Bangalore cho biết cơ sở của ông chỉ có 25 giường trong khoa điều trị tích cực. Một bệnh nhân nặng chỉ được nằm ở đó trung bình 10 ngày.
Tham gia cuộc chiến chống Covid-19 sau khi vừa tốt nghiệp, một bác sĩ giấu tên, 26 tuổi, ở Chennai, cho biết anh đã sẵn sàng cho những thách thức, nhưng không ngờ tới những vấn đề liên quan đến chính trị. Theo anh, lãnh đạo bệnh viện yêu cầu chuyển người bị viêm phổi, suy hô hấp cấp tính không có kết quả xét nghiệm Covid-19 đến các phòng bệnh thường, nhằm che giấu số người thực sự tử vong vì Covid-19.
Bác sĩ Shakti V (tên thật đã được thay đổi) tại một bệnh viện lớn ở Chennai kể lại câu chuyện về một cặp vợ chồng mắc Covid-19. Người vợ, 65 tuổi, phải nằm ở đơn vị điều trị tích cực, trong khi người chồng, 70 tuổi, ở phòng bệnh thường.
"Mỗi ngày, người chồng đều xin được gặp vợ. Chúng tôi không được đưa ai vào khu chăm sóc tích cực, riêng tôi được phép. Hàng ngày, tôi đưa người chồng đến đó trên chiếc xe lăn, để ông nhìn vợ qua cửa sổ trong vài giờ. Cho đến một hôm, bệnh tình của bà chuyển nặng khiến ông sụp đổ. Đối với ông, bà là người thân duy nhất", Shakti nhớ lại.
May thay, cả hai ông bà sau đó đều bình phục. Họ hết mực biết ơn các nhân viên y tế. Đối với bác sĩ Shakti, đó là phép màu tiếp thêm cho cô hy vọng để đương đầu với đại dịch.
Mai Dung (Theo StraitsTimes)