Giám đốc điều hành Lockheed Martin Jim Taiclet ngày 18/10 thông báo nhà thầu quân sự Mỹ này dự kiến tăng sản lượng hệ thống Pháo Phản lực Cơ động Cao (HIMARS) lên 96 xe phóng một năm, từ mức 60 xe phóng hiện tại.
Ông Taiclet đưa ra thông báo vài giờ sau khi tờ Politico đưa tin Lockheed Martin đã bắt đầu cam kết với các khách hàng quốc tế rằng họ đang chuẩn bị đẩy mạnh sản xuất, nhằm trấn an lo ngại của chính phủ Estonia, Ba Lan và Ukraine, những nước gần đây đặt hàng chục xe phóng.
Theo Taiclet, để chuẩn bị trước các yêu cầu này, Lockheed Martin đã đầu tư 65 triệu USD từ khoảng 6 tháng trước nhằm rút ngắn thời gian sản xuất HIMARS, trước khi nhận được hợp đồng từ Lầu Năm Góc. Nhà thầu này cũng đang xem xét mở rộng cơ sở ở Camden, bang Arkansas vì "nhu cầu tăng".
"Chúng tôi đang đào tạo chéo các nhân sự lành nghề trên nhiều dòng sản phẩm, để khi nhu cầu về HIMARS hay Tổ hợp Pháo phản lực Phóng loạt gia tăng, họ có thể được điều động tham gia chế tạo các loại vũ khí khác nhau", ông Taiclet nói.
Quân đội Mỹ cũng đang gây áp lực lên Lockheed Martin để tăng sản lượng. Hồi tháng 9, Douglas Bush, giám đốc bộ phận mua lại trả lời truyền thông rằng họ đang hướng tới mục tiêu "tăng gấp đôi hoặc hơn gấp đôi" công suất.
Điều này có nghĩa Lockheed Martin có thể được yêu cầu tăng sản lượng lên 120 xe phóng HIMARS một năm. Tuy nhiên, ông Bush cũng lưu ý rằng những mục tiêu này cần nhiều tháng cho đến một năm để có thể đạt được.
HIMARS là pháo phản lực phóng loạt tự hành đặt trên khung gầm bánh lốp, được phát triển từ tổ hợp M270. Hệ thống HIMARS chuyển giao cho Ukraine được biên chế kíp vận hành ba người, có thể mang 6 quả đạn M31 cỡ nòng 227 mm với tầm bắn 80-90 km.
Ngoài đạn M31 đang được Ukraine sử dụng hiện nay, HIMARS còn có thể khai hỏa Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) với tầm bắn khoảng 300 km. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc không cung cấp ATACMS cho Ukraine vì lo ngại chúng có thể được sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga và khiến khủng hoảng leo thang.
Mỹ đã viện trợ 20 tổ hợp pháo này đến Ukraine kể từ mùa hè, đóng vai trò lớn giúp Kiev thay đổi cục diện xung đột giữa Ukraine và Nga.
Hệ thống vũ khí hiện đại của Mỹ đã bắn trúng hàng chục mục tiêu quan trọng của Nga trên chiến trường, như các sở chỉ huy hay kho đạn. Trong chiến dịch phản công của Ukraine ở phía đông, lực lượng này cũng sử dụng pháo HIMARS để tập kích những cây cầu trọng yếu, đe dọa hậu cần của quân đội Nga.
Đức Trung (Theo Politico)