Mặc dù đã có những quy định về phòng chống cháy nổ, quy định về hoạt động của các cơ sở kinh doanh vật liệu dễ gây cháy nổ, nhưng vụ nổ trên cho thấy công tác quản lý khá lỏng lẻo. Hơn nữa những “kho bom” đó lại khá gần với các khu dân cư và hàng ngày rất nhiều người dân đang phải đối mặt với những nguy hiểm đó.
Việc tuyên truyền và tập huấn cho những người dân trong những tình huống khẩn cấp ở Việt Nam nói chung vẫn chưa được làm kỹ lưỡng.
Điều này phần lớn là do các doanh nghiệp thực hiện và nhiều khi chỉ mang tính chất “phong trào”. Nên chăng chúng ta cần mở thêm nhiều đợt tập huấn cho người dân để ứng phó được với những tình huống nguy hiểm, trước khi có sự ứng cứu của các cơ quan chức năng.
Công tác cứu hộ, cứu nạn của các lực lượng chức năng của chúng ta đang ở bước đầu, vẫn còn thiếu những phương tiện cứu hộ hiện đại. Dù được đào tạo, rèn luyện nhưng lực lượng cứu hộ của chúng ta vẫn còn thiếu kinh nghiệm ứng cứu và xử lý các tình huống khẩn cấp. Vì vậy khi xảy ra những vụ nghiêm trọng, các lực lượng của chúng ta vẫn bị động trong khâu xử lý ban đầu, dẫn tới thời gian cứu hộ, cứu nạn chậm.
Không ai có thể lường trước được những nguy hiểm có thể xảy ra bất ngờ. Việc tập huấn cho những người dân về việc ứng cứu kịp thời khi có sự cố để tránh xảy ra thêm những thương vong là điều nên làm. Điều đó giúp cho công tác cứu hộ, cứu nạn tại chỗ nhanh chóng.
> > Xem thêm: Chất nổ mạnh hơn TNT khiến 10 người chết ở Sài Gòn?
Nguyễn Chung Hiếu