Sau cuộc điện đàm ngày 26/4 giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo ông Lý Huy "sẽ được cử tới Ukraine và nhiều nước khác để thảo luận về một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng".
Ông Lý Huy sinh năm 1953, tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, thông thạo tiếng Nga và được bổ nhiệm làm thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc năm 2008. Một năm sau, ông được cử tới Moskva làm đại sứ giai đoạn 2009-2019, trở thành đại sứ Trung Quốc có nhiệm kỳ lâu nhất ở Nga.
Trong thời gian ông Lý Huy làm đại sứ, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thực hiện 9 chuyến thăm chính thức tới Nga, trong khi thương mại song phương tăng gấp ba lần, từ mức 38,8 tỷ USD năm 2009 lên 107 tỷ USD năm 2018.
Vài tháng trước khi ông Lý kết thúc nhiệm kỳ đại sứ, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trao tặng ông huân chương hữu nghị vì những đóng góp to lớn để cải thiện quan hệ hai nước.
Năm 2019, ông được đề bạt làm đặc phái viên của Trung Quốc về các vấn đề Á - Âu. Vị thế cựu thứ trưởng ngoại giao giúp ông có thể dễ dàng truyền đạt thông điệp của Bắc Kinh tới các nước liên quan, theo Li Lifan, chuyên gia về Nga và Trung Á tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải.
"Cấp bậc của ông ấy cao hơn nhiều đại sứ Trung Quốc ở các quốc gia đó, điều này mang lại sức nặng cho các thông điệp mà ông truyền tải", chuyên gia Li nói.
Li Lifan cho biết kinh nghiệm làm việc nhiều thập kỷ ở các nước nói tiếng Nga mang lại cho ông Lý Huy lợi thế đặc biệt. "Ông ấy rõ ràng đã xây dựng một số mối quan hệ trong những năm đó, cho phép ông có thể trao đổi quan điểm với các quan chức ở Kiev, Moskva và nhiều nước châu Âu khác", ông nói.
Năm 2019, ông Lý Huy nói với hãng thông tấn TASS rằng ông ngưỡng mộ "tư tưởng của Pushkin, Lermontov, Gogol, Dostoevsky, Chekhov, Tolstoy, Gorky và nhiều văn hào khác".
"Điều này có thể tạo ấn tượng tốt với những người ở các nước từng thuộc Liên Xô vì chung nền tảng ngôn ngữ", chuyên gia Li Lifan nói. "Ông Lý có thể sử dụng ngôn ngữ và những hiểu biết về văn hóa để bày tỏ tốt hơn quan điểm, cũng như lý giải lập trường của các bên".
Chuyên gia của Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải không cho rằng nhà ngoại giao thông thạo tiếng Nga này sẽ có lập trường "thân Moskva" trong nỗ lực trung gian hòa giải cho khủng hoảng Ukraine. "Tôi không đồng ý với quan điểm đó. Chẳng lẽ ai học tiếng Anh cũng đều ủng hộ Mỹ?", ông nói.
Alexey Maslov, giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á và châu Phi tại Đại học Quốc gia Moskva, cho rằng ông Lý là "lựa chọn tốt nhất có thể" đối với Moskva để tìm một người làm trung gian đàm phán với Kiev.
"Moskva sẽ không lo lắng vì ông ấy thực sự hiểu chính trị Nga", Maslov, người đã quen biết ông Lý 10 năm, nói, thêm rằng nhà ngoại giao Trung Quốc này thực sự "hiểu tâm hồn Nga, tâm lý Nga".
Ông Lý dự kiến thăm một số nước châu Âu thời gian tới. Đây được coi là nỗ lực để xoa dịu lo ngại của châu Âu về lập trường của Trung Quốc, khi Bắc Kinh từng tuyên bố quan hệ "không giới hạn" với Moskva và từ chối lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh, với việc giao cho ông Lý trọng trách làm nhà môi giới hòa bình, Bắc Kinh đang cử tới Kiev "một người thông thạo các vấn đề liên quan và có khả năng đóng vai trò tích cực trong việc tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán".
"Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác với cộng đồng quốc tế để đóng vai trò mang tính xây dựng cho nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine", bà Mao Ninh nói.
Zeno Leoni, giảng viên nghiên cứu quốc phòng tại Đại học King's College London, đồng tình rằng kiến thức sâu rộng của ông Lý về Nga không nhất thiết sẽ mang lại lợi ích cho Moskva. "Ông ấy sẽ hiểu lĩnh vực nào có thể hòa giải hoặc không thể hòa giải giữa Nga và Ukraine", Leoni nói.
Kiev cũng bày tỏ quan điểm tích cực về ông Lý. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko hy vọng "kiến thức sâu rộng của ông Lý về khu vực của chúng tôi sẽ giúp ông ấy thảo luận một cách cân bằng và hiệu quả với tất cả các bên".
Để thực sự thành công với trọng trách người môi giới hòa bình, ông Lý sẽ phải tìm cách đưa Nga và Ukraine vào bàn đàm phán, mục tiêu mà tới nay còn khá xa vời.
Ukraine yêu cầu khôi phục hoàn toàn lãnh thổ, trong đó có bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập năm 2014. Trong khi đó, nhiều quan chức Nga cho biết họ sẽ không chấp nhận điều gì khác ngoài việc phi quân sự hóa Ukraine, không chấp nhận Kiev gia nhập NATO.
Nhiều quan chức phương Tây, trong đó có chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, tới nay vẫn hoài nghi tuyên bố làm trung gian hòa bình của Trung Quốc.
"Họ không lên án cuộc chiến, họ vẫn mua dầu của Nga hay vẫn gửi các mặt hàng tới Nga. Họ phải có những hành động rõ ràng để chứng tỏ mình có thể đóng vai trò là một bên trung gian thực sự", một quan chức Mỹ nói.
Thanh Tâm (Theo SCMP, NBCNews)