
Tàu ngầm trong ụ nổi tại nhà máy đóng tàu Norfolk của Mỹ. Ảnh: US Navy.
Cựu bộ trưởng Hải quân Mỹ Ray Mabus ngày 19/11 cảnh báo nhà máy đóng tàu Norfolk nằm trên bờ vịnh Chesapeake, bang Virginia có thể hứng chịu thiệt hại đến mức "thảm họa" và tê liệt trong thời gian dài do hậu quả của nước biển dâng và biến đổi khí hậu, theo NBC News.
Norfolk là một trong bốn nhà máy của Mỹ đủ khả năng về trang thiết bị và nhân lực để sửa chữa, bảo dưỡng tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, nhà máy đã bị ngập nặng 9 lần do mưa bão và triều cường trong vòng 10 năm gần đây, khiến nhiều trang thiết bị hư hại và tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Theo Mabus, 5 ụ nổi của nhà máy đóng tàu Norfolk sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất nếu bão đổ bộ trực tiếp vào đây, do chúng không được thiết kế để chống chọi lại những cơn bão lớn do biến đổi khí hậu gây ra. Năm 2016, đợt mưa do siêu bão Matthew gây ra làm một tòa nhà ngập 0,6 m, chi phí sửa chữa lên tới 1,2 triệu USD.
Triều cường dâng cao từ lâu cũng đã làm chậm hoạt động sửa chữa của nhà máy, khiến kế hoạch bảo dưỡng chiến hạm của hải quân Mỹ bị ảnh hưởng. Hải quân Mỹ từng phải dùng bao cát đắp đê tạm ngăn triều cường để bảo vệ các ụ nổi và di dời một số trang thiết bị của nhà máy.
Năm 2011, Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia công bố báo cáo cảnh báo 56 cơ sở của hải quân Mỹ trị giá 100 tỷ USD sẽ bị đe dọa nếu mực nước biển dâng cao khoảng 1 m và họ chỉ còn 10-20 năm để đưa ra giải pháp đối phó.
Dù các chỉ huy quân đội Mỹ đang xem xét nghiêm túc tác động từ biến đổi khí hậu và tìm cách đối phó, những trở ngại về mặt chính trị và lập pháp ngăn cản việc chi ngân sách cho hoạt động này. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, việc giải quyết vấn đề biển đổi khí hậu trở nên khó khăn hơn vì Trump cho rằng hiện tượng này chỉ "tồn tại trên lý thuyết".
Nguyễn Tiến