
Binh sĩ Mỹ hướng dẫn binh sĩ Nigeria cách khống chế khủng bố. Ảnh: Reuters.
"Khoảng 10% lực lượng trong số 7.200 binh sĩ và nhân viên Bộ Quốc phòng Mỹ hiện hoạt động ở châu Phi sẽ được tái điều động trong vài năm tới", phát ngôn viên Commander Candice Tresch thông báo vào ngày 15/5. Việc rút bớt hàng trăm binh sĩ đang tham gia chiến dịch chống khủng bố tại châu Phi nằm trong kế hoạch tái triển khai của Mỹ nhằm đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga, Reuters ngày 16/11 đưa tin.
Việc cắt giảm quân số sẽ được thực hiện trong khoảng ba năm tại các quốc gia như Kenya, Cameroon và Mali, một quan chức Mỹ cho biết. Tại một số quốc gia châu Phi khác, hoạt động hỗ trợ chiến thuật sẽ được chuyển về "cố vấn, hỗ trợ, liên lạc và chia sẻ thông tin tình báo".
Một số quan chức quân sự nghỉ hưu của Mỹ cho rằng quân đội nước này hiện không đủ nguồn lực cho toàn bộ mục tiêu mà Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đặt ra vào đầu năm nay. Ưu tiên hàng đầu hiện nay của Lầu Năm Góc là đối phó với nước Nga đang trỗi dậy và các hoạt động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông.
Trong khi Mỹ tìm cách giảm hiện diện quân sự tại châu Phi, Nga lại tăng cường hoạt động hợp tác quân sự với các quốc gia ở châu lục này. Từ năm 2014 tới nay, Nga ký 19 thỏa thuận hợp tác với các quốc gia châu Phi như Ethiopia, Nigeria và Zimbabwe. Trung Quốc cũng đang tìm cách tăng hiện diện quân sự tại châu Phi, căn cứ tại nước ngoài đầu tiên của quân đội Trung Quốc được đặt ở Djibouti.
Nguyễn Tiến