"Nguồn phát thải khiến môi trường ngày càng ô nhiễm chính là do phương tiện giao thông. Bởi vậy, theo tôi đã đến lúc cần thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi giao thông xanh, khuyến khích sử dụng xe điện, các phương tiện công cộng, góp phần giải bài toán ách tắc vừa giảm phát thải, giúp môi trường cải thiện".
Đó là quan điểm của độc giả Hoahoa trước thực trạng chất lượng không khí tại Hà Nội xuống thấp đến mức đáng báo động. Kết quả quan trắc giai đoạn 2022-2023 cho thấy bụi mịn PM 2.5 trung bình năm tại Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên đều vượt quy chuẩn. Riêng Hà Nội bụi PM 2.5 dao động 26- 52μg/Nm3, vượt giới hạn 1,1-2,1 lần. Thời gian ô nhiễm tập trung từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.
Đồng quan điểm về nguyên nhân khiến bụi mịn bủa vây Hà Nội, bạn đọc Vinh Nguyễn bình luận: "Bắc Kinh của Trung Quốc cũng từng ô nhiễm, thậm chí còn nghiêm trọng hơn Hà Nội hiện tại. Tuy nhiên, nhờ thúc đẩy xe điện để thay thế xe xăng và chuyển nhà máy cũ khỏi trung tâm mà tình hình môi trường tại đó đã thay đổi hoàn toàn. Các thành phố lớn của Việt Nam cũng nên đẩy nhanh việc chuyển đổi sang phương tiện không phát thải để bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân".
>> Vỡ mộng chuyển nhà từ TP HCM về tỉnh để không phải hít bụi
Trong khi đó, độc giả Nguyễn Đức Minh cho rằng hoạt động đốt rác, rơm rạ mới là tác nhân hàng đầu gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội: "Ngoài khói bụi từ phương tiện giao thông, tôi quan sát thấy người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận rất hay đốt rác thải, rơm rạ vào thời điểm cuối năm. Ngay cả các doanh nghiệp cũng đốt các loại rác thải. Ngoài ra còn khí thải từ các nhà máy, xí nghiệp trong và xung quanh thành phố nữa. Mong rằng chính quyền sẽ quản lý chặt hoạt động đốt rác thải và rơm rạ".
"Mình để ý thấy người Hà Nội rất hay gom góp rác để đốt vào thời điểm mùa khô, ít gió, mọi thứ dễ cháy nên khói cứ luẩn quẩn. Tôi đạp xe quanh mấy quận ngoại thành Hà Nội, thấy nơi nào người ta cũng đốt, cái gì cũng đốt, thậm chí là cỏ cây tươi họ cũng đốt, rác thải, vật liệu xây dựng cũng đốt... Tại sao không thấy chính quyền địa phương có động thái gì trước hành động này?", bạn đọc Pik thắc mắc.
Nói về nguyên nhân khiến bụi mịn PM 2.5 tăng cao tại Hà Nội thời gian dài, độc giả Nguyentuanlong có cái nhìn khác: "Hà Nội bước vào mùa đông cũng là lúc tình trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt là bụi mịn, trở nên nghiêm trọng. Bên cạnh các yếu tố tự nhiên như điều kiện thời tiết, địa hình, một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí đó là các hoạt động xây dựng diễn ra tràn lan.
Từ đầu năm đến tháng 10, hoạt động xây dựng tại Hà Nội khá trầm lắng. Tuy nhiên, cứ đến cuối năm, các công trình thi công lại được đẩy nhanh tiến độ. Việc đào hè đường, lát đá, bó vỉa, đào lòng đường, thảm lại nhựa cũng diễn ra ồ ạt trên nhiều tuyến phố đã làm tăng đáng kể lượng bụi mịn trong không khí, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng môi trường sống và sức khỏe của người dân".
Cùng chung suy nghĩ, bạn đọc Pham Bien Cuong nói thêm: "Theo tôi, không khí Hà Nội ô nhiễm là do xây dựng, với một số vấn đề sau:
- Xe chở vật liệu và vật liệu phế thải không che chắn, khi di chuyển nhanh làm rơi vãi xuống đường. Số vật liệu này bị phương tiện giao thông qua lại tán nhỏ hoặc bị cuốn theo luồng di chuyển của phương tiện và phát tán vào không khí. Điển hình nhất là sự vương vãi của cát, đất san lấp...
- Các tòa nhà cao tầng đang ở giai đoạn hoàn thiện, người ta phải làm nhẵn bề mặt tường tạo thành bụi. Bụi mịn này thực sự khủng khiếp và nó phát tán từ trên cao, cuốn theo chiều gió nên lan rộng.
- Việc thi công sửa vỉa hè hoặc làm đường cứ đến cuối năm lại trở nên sôi động. Điều này tạo ra một lượng bụi rất khủng khiếp, nhưng thành phố lại không tiến hành phun nước rửa đường thường xuyên để loại bỏ bụi bẩn.
- Người Việt ì ạch chống ô nhiễm không khí
- 'Đào đường, sửa vỉa hè ồ ạt cũng gây ô nhiễm không khí Hà Nội'
- Ô nhiễm không khí - không ai vô can
- 'Chi trăm tỷ rửa đường Hà Nội còn hơn không'
- Vì sao không còn thấy xe đi tưới nước rửa đường Hà Nội?
- Hà Nội rửa đường có giảm bụi?