Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia lớn nhất Ukraine rạng sáng nay bị cháy, sau khi lực lượng Nga bắn nhiều loạt đạn vạch đường về phía cơ sở này trong quá trình bao vây thành phố Enerhodar, đông nam Ukraine. Giới chức Ukraine cảnh báo những cuộc tấn công đang gây ra "mối đe dọa thực sự về nguy cơ hạt nhân".
"Lửa đã bùng lên", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đăng trên Twitter. "Nếu nhà máy Zaporizhzhia nổ tung, nó sẽ lớn gấp 10 lần những gì xảy ra ở Chernobyl. Nga phải ngừng bắn ngay lập tức, cho phép lực lượng cứu hỏa nhân viên ứng phó khẩn cấp tiếp cận hiện trường vụ cháy".
Cơ quan Ứng phó Khẩn cấp Ukraine cho hay một tòa nhà 5 tầng trong nhà máy Zaporizhzhia đang tiếp tục bốc cháy, ngọn lửa bao trùm từ tầng 3 đến tầng 5, nhưng lực lượng Nga đang ngăn cản đội cứu hỏa tới hiện trường để dập lửa. Đạn vạch đường thường được dùng để chỉ thị mục tiêu trong đêm tối, nhưng cũng có thể gây hỏa hoạn khi bắn trúng mục tiêu dễ cháy.
Nga chưa bình luận về các thông tin này.
Trước khi lực lượng Nga nã đạn vào Zaporizhzhia, nhiều dân thường Ukraine đã tạo thành một hàng rào bên ngoài nhà máy điện hạt nhân để tìm cách ngăn cản quân đội Nga, đồng thời yêu cầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thiết lập vành đai an toàn 30 km bao quanh 4 nhà máy điện hạt nhân của Ukraine.
"Đừng tạo ra một vụ Chernobyl mới. Phóng xạ không phân biệt quốc gia, không loại trừ ai", Anton Gerashchenko, quan chức Bộ Nội vụ Ukraine, viết trên Facebook.
Zaporizhzhia, nơi sản xuất 19% lượng điện của Ukraine vào năm 2020 và là một trong những nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, có 6 lò phản ứng lớn và 6 bể làm mát với hàng trăm tấn nhiên liệu hạt nhân phóng xạ cao. Ba lò đang hoạt động và ba lò đã đóng cửa kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu.
Giới quan sát cho biết lò phản ứng đang hoạt động đặc biệt dễ gặp rủi ro nếu lưới điện bị ngắt trong thời chiến. Nếu các cuộc pháo kích làm mất nguồn điện của nhà máy, hệ thống làm mát các lò phản ứng và kho nhiên liệu đã qua sử dụng sẽ bị vô hiệu hóa, có thể gây ra thảm họa phóng xạ nghiêm trọng.
Các chuyên gia của tổ chức Hòa bình Xanh cho rằng Zaporizhzhia là nơi rất đáng lo ngại trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, bởi một số lò phản ứng tại đây được xây dựng và thiết kế từ những năm 1970. Roger Spautz, nhà vận động hạt hạt nhân của Hòa bình Xanh Pháp và Luxembourg, nói tuổi thọ ban đầu của các lò phản ứng là 40 năm, nhưng đã được gia hạn.
"Rủi ro lớn nhất là nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng bị trúng tên lửa hoặc lò phản ứng không thể làm mát do hệ thống điện bị vô hiệu hóa. Điện cần được duy trì 24/24 mỗi ngày", Spautz nói, lưu ý các máy phát điện dự phòng chạy bằng diesel không thể hoạt động liên tục trong nhiều tuần, đặc biệt là trong thời chiến.
Nghiên cứu của Hòa bình Xanh chỉ ra nhà máy Zaporizhzhia chỉ có đủ diesel để chạy các máy phát điện khẩn cấp trong khoảng 7 ngày.
Dữ liệu chính thức từ năm 2017 chỉ ra nhà máy Zaporizhzhia có 2.204 tấn nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, trong đó 885 tấn nằm trong các bể có nguy cơ gặp rủi ro cao. Nếu không duy trì được khả năng làm mát, chúng có nguy cơ bị nóng quá mức, làm nóng chảy các tấm kim loại bảo vệ và giải phóng hầu hết lượng phóng xạ ra môi trường.
Các lò phản ứng của Zaporizhzhia được thiết kế cấu trúc bảo vệ bằng bê tông. Tuy nhiên, nó có thể không chịu được tác động mạnh từ vũ khí hạng nặng. Các chuyên gia cho rằng nhà máy có thể không phải là mục tiêu tấn công trực tiếp của lực lượng Nga, nhưng các vụ hỏa hoạn do đạn vạch đường gây ra có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.
Các chuyên gia của Hòa bình Xanh nhận định trong trường hợp xấu nhất, những sự cố ngoài dự tính ở Zaporizhzhia có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn thảm họa hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản năm 2011 và khiến các khu vực cách đó hàng trăm km trở thành những nơi khó có thể sinh sống trong hàng thập kỷ. Nga được cho cũng không thoát khỏi ảnh hưởng nếu kịch bản tồi tệ này xảy ra.
Doug Weir, giám đốc nghiên cứu và chính sách của Cơ quan Giám sát Môi trường và Xung đột tại Anh, nói các nhà máy điện hạt nhân được Công ước Geneva quy định là "cơ sở có mức độ nguy hiểm cao" và không nên bị tấn công.
"Chúng tôi không cho rằng các địa điểm như Zaporizhzhia trở thành mục tiêu tấn công có chủ ý, nhưng các loại vũ khí hạng nặng của Nga có thể không hoạt động chính xác", Weir nói. "Giao tranh xung quanh các khu vực như vậy là điều phải tránh bằng mọi giá".
Shaun Burnie, chuyên gia hạt nhân của Hòa bình Xanh Đông Á, tin rằng Nga, nước có nhiều lò phản ứng gấp đôi Ukraine, hiểu rõ hậu quả của một cuộc tấn công trực tiếp vào các cơ sở này.
"Chúng ta đang đối mặt với một tình huống hiếm thấy trong lịch sử, khi một quốc gia vận hành 15 lò phản ứng hạt nhân ở giữa một cuộc xung đột quân sự", ông nói.
Jon Wolfsthal, chuyên gia về kiểm soát vũ khí và không phổ biến hạt nhân, cho rằng kịch bản tốt nhất hiện nay là nhà máy Zaporizhzhia không bị tổn hại lớn sau vụ cháy và các lò phản ứng được tắt một cách an toàn, giúp hệ thống làm mát không bị đe dọa. "Nhưng nếu các điều kiện đó không được đáp ứng, rủi ro có thể rất cao", Wolfsthal cho biết.
Thanh Tâm (Theo DW, Independent)