Sau khi bắt đầu ngày 24/2, chiến sự tại Ukraine đã khiến một triệu người tại nước này phải di tản bằng ôtô, tàu hỏa và thậm chí đi bộ. Phát ngôn viên Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn Shabia Mantoo cảnh báo với tốc độ hiện nay, dòng người di tản khỏi Ukraine có thể trở thành "cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất thế kỷ 21".
Moskva và Kiev ngày 3/3 đàm phán lần hai. Vòng thảo luận này được kỳ vọng là cơ hội để hai nước đạt được thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc xung đột.
Tình hình thực địa
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, thiếu tướng Igor Konashenkov ngày 2/3 thông báo quân đội nước này "kiểm soát hoàn toàn" Kherson, thành phố trọng yếu với gần 300.000 dân ở phía nam Ukraine. Các chỉ huy Nga đã đàm phán với giới chức Kherson về phương án duy trì trật tự tại thành phố.
Thị trưởng Kherson Ihor Kolykhaiev ngày 3/3 xác nhận quân đội Nga đã kiểm soát thành phố này sau nhiều ngày giao tranh dữ dội. "Không còn bất cứ lực lượng Ukraine nào trong thành phố, chỉ còn dân thường và họ muốn được sống", ông Kolykhaiev cho biết.
Ông Kolykhaiev cho biết đã đề nghị lực lượng Nga không bắn dân thường, cho phép các đội chuyên trách thu thập thi thể trên đường phố và không hạ cờ Ukraine tại đây. Thành phố Kherson sẽ duy trì lệnh giới nghiêm từ 20h đến 6h sáng hôm sau, dân chúng đi trên phố tối đa hai người và tuân theo hiệu lệnh dừng lại.
Quân đội Nga tiếp tục chiến dịch tại thành phố Kharkov, đông bắc Ukraine, nơi 1,5 triệu dân sinh sống. Lực lượng Nga tập kích trụ sở cảnh sát tỉnh, sở chỉ huy tình báo và một tòa nhà đại học, giới chức địa phương cho biết.
Cố vấn Tổng thống Ukraine Oleksiy Arestovich ngày 3/3 cho biết lực lượng tại Kharkov chặn một đợt tiến công của quân đội Nga vào thành phố. Lực lượng Nga sau đó tập kích tên lửa và không kích các mục tiêu ở Kharkov. Lãnh đạo tỉnh Kharkov Oleg Sinehubov nói rằng 21 người thiệt mạng và ít nhất 112 người bị thương trong 24 giờ qua. Nga chưa bình luận về thông tin này.
Thủ đô Kiev tiếp tục hứng các đợt pháo kích của lực lượng Nga. Trong khi đó, một đoàn xe dài 64 km gồm xe tăng và phương tiện quân sự đang tiếp cận thủ đô Ukraine. Bộ Quốc phòng Anh ngày 3/3 cho biết đoàn xe cách Kiev khoảng 30 km.
Văn phòng Tổng thống Ukraine thông báo một vụ nổ lớn xảy ra giữa nhà ga phía Nam và khách sạn Ibis ngày 3/3, gần trụ sở Bộ Quốc phòng Ukraine. Vào thời điểm xảy ra vụ nổ, hàng nghìn phụ nữ và trẻ em được sơ tán khỏi Nhà ga phía Nam, cơ sở này bị hư hại nhẹ, Cơ quan Đường sắt Ukraine cho biết.
Anton Herashchenko, cố vấn Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, cho biết các đơn vị Nga ngày 3/3 bao vây thành phố cảng Mariupol ở đông nam đất nước. Đây là thành phố lớn thứ hai ở tỉnh Donetsk và lớn thứ 10 của Ukraine, nằm giáp biển Azov, cũng là nơi đặt nhiều cơ sở hạ tầng công nghiệp quan trọng.
Hội đồng thành phố Mariupol cáo buộc lực lượng Nga pháo kích các cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu, khiến địa phương này không có điện, nước và khí đốt để sưởi ấm, cũng như nhu yếu phẩm cho người dân.
Nga lần đầu công bố thương vong từ khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, trong đó 498 quân nhân thiệt mạng và 1.597 người bị thương. Moskva còn nói rằng về phía Ukraine, có 2.870 "quân nhân và người theo chủ nghĩa dân tộc" thiệt mạng và khoảng 3.700 người bị thương.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Ukraine nói rằng 9.000 quân nhân Nga hứng chịu thương vong.
Cuộc sống của dân Ukraine ra sao?
"Trong 7 ngày, chúng ta chứng kiến cuộc di cư của một triệu người tị nạn Ukraine sang các nước láng giềng", Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn Filippo Grandi đăng trên Twitter.
LHQ dự báo lên tới 4 triệu người có thể rời khỏi Ukraine. Dân số Ukraine là 44 triệu người, theo thống kê năm 2020 của Ngân hàng Thế giới.
Cơ quan Các tình trạng khẩn cấp Ukraine cho biết hơn 2.000 dân thường đã thiệt mạng trong giao tranh, song con số này chưa được xác minh. Văn phòng Nhân quyền LHQ ghi nhận 136 dân thường thiệt mạng, trong đó có 13 trẻ em, từ khi chiến sự bùng phát tại Ukraine ngày 24/2.
Ủy ban châu Âu ngày 2/3 thông báo sẽ cấp giấy phép cư trú có thời hạn cho những người tị nạn Ukraine và cho phép họ học tập hoặc làm việc tại 27 quốc gia thành viên. Động thái này sẽ cần các thành viên Liên minh châu Âu (EU) chấp thuận.
Liên Hợp Quốc phản ứng thế nào?
Đại hội đồng LHQ ngày 3/3 bỏ phiếu thông qua nghị quyết yêu cầu Nga chấm dứt chiến dịch quân sự tại Ukraine với 141 phiếu thuận, 5 phiếu trống và 35 phiếu trắng.
Nghị quyết "lên án mạnh mẽ" chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Tuy nhiên, các nghị quyết của Đại hội đồng LHQ không có giá trị pháp lý ràng buộc.
Công tố viên Tòa án Hình sự Quốc tế ngày 2/3 mở cuộc điều tra về cáo buộc tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người hoặc diệt chủng tại Ukraine từ năm 2013 tới nay. Công tố viên Karim Khan cho biết cuộc điều tra được mở sau khi 39 quốc gia thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế yêu cầu.
Nga ảnh hưởng ra sao vì các lệnh cấm vận?
Các biện pháp trừng phạt đang khiến Nga đối mặt một cuộc khủng hoảng tài chính khi giá trị đồng rouble lao dốc xuống mức thấp kỷ lục so với USD, khiến người dân Nga ngay lập tức đổ xô tới các cây ATM để rút tiền mặt vì lo sợ sẽ gặp khó khăn trong giao dịch.
Ngân hàng Sberbank thông báo sẽ rút khỏi thị trường châu Âu sau khi bị phương Tây cấm vận, đồng thời cho biết các công ty con của họ ở châu Âu đối mặt tình trạng "dòng tiền rút ra bất thường và nhân viên chi nhánh bị đe dọa".
Nhà Trắng đã công bố các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào Nga và Belarus, bao gồm mở rộng kiểm soát xuất khẩu liên quan hoạt động lọc dầu của Nga và các thực thể hỗ trợ quân đội hai nước này.
Trong khi đó, người đứng đầu cơ quan quản lý ngân hàng của Trung Quốc cho biết nước này không áp đặt các biện pháp tài chính đối với Nga. Trung Quốc là khách mua dầu khí lớn nhất của Nga.
Trước các động thái này của phương Tây, Điện Kremlin tuyên bố lệnh trừng phạt không làm họ thay đổi lập trường về Ukraine.
Nguyễn Tiến (Theo AP)