Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên ngày 17/11 cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do Mỹ chuyển giao để tập kích các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Cuộc tấn công đầu tiên có thể diễn ra trong những ngày tới, sử dụng tên lửa đạn đạo ATACMS với tầm bắn tối đa 300 km.
Tờ Washington Post và hãng thông tấn AFP cũng đưa ra thông tin tương tự.
"Nhiều phương tiện truyền thông nói chúng tôi đã được cấp phép thực hiện các hành động phù hợp. Tuy nhiên, đòn tập kích không được thực hiện bằng lời nói", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trong bài phát biểu tối cùng ngày, thêm rằng "tên lửa sẽ tự lên tiếng".
Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận.
Quan chức nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Donald Trump không phản hồi câu hỏi liệu ông và các cố vấn có được báo trước về quyết định có tác động lớn đến chiến sự hay không.
"Tổng thống Trump từng khẳng định ông ấy là người duy nhất có thể đưa hai bên ngồi vào bàn đàm phán hòa bình và hướng tới chấm dứt chiến sự, kết thúc sự khổ đau", Steven Cheung, giám đốc truyền thông của nhóm chuyển giao quyền lực, cho hay.
Điện Kremlin và Bộ Quốc phòng Nga chưa lên tiếng về thông tin.
Vladimir Dzhabarov, Phó chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thuộc Thượng viện Nga, cảnh báo động thái của Mỹ có thể dẫn đến Thế chiến III. Nghị sĩ Andrei Klishas, thành viên cấp cao của Hội đồng Liên bang, cho rằng phương Tây đã đưa ra quyết định leo thang "có thể khiến nhà nước Ukraine hoàn toàn sụp đổ vào hôm sau".
Ba Lan, một trong các nước hậu thuẫn mạnh mẽ Ukraine, lên tiếng hoan nghênh thông tin. "Tổng thống Biden đã phản ứng bằng ngôn ngữ mà người đồng cấp Nga Vladimir Putin có thể hiểu được", Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski viết trên mạng xã hội.
Nếu được xác thực, đây sẽ là thay đổi lớn về chính sách của Washington, do chính quyền ông Biden trong thời gian dài đã từ chối gỡ rào vũ khí cho Kiev vì lo ngại căng thẳng gia tăng, bất chấp lời kêu gọi của giới chức Ukraine. Điện Kremlin từng cảnh báo động thái như vậy sẽ là bước leo thang lớn trong xung đột.
Một số quan chức Mỹ nhận định hành động của ông Biden khó thay đổi cục diện chiến trường về tổng thể, song vẫn sẽ giúp ích cho Ukraine vào thời điểm Nga đang đạt nhiều bước tiến lớn, đồng thời tạo điều kiện để Kiev có vị thế tốt hơn trên bàn đàm phán nếu hai bên đồng ý đối thoại.
Thông tin Washington đồng ý gỡ rào vũ khí cho Kiev được công bố sau khi quân đội Nga phóng 120 tên lửa và 90 máy bay không người lái (UAV) vào hạ tầng năng lượng trên khắp lãnh thổ Ukraine.
Không quân Ukraine tuyên bố đánh chặn 144 vũ khí các loại, trong đó có 8 trên 9 tên lửa siêu vượt âm, nhưng cuộc tấn công vẫn gây hư hại cho lưới điện vốn đã kiệt quệ sau nhiều lần bị tập kích. Giới chức Ukraine tuyên bố cắt điện khẩn cấp tại tỉnh Kiev, Donetsk và Dnipro, cũng như hạn chế sử dụng điện trên toàn quốc.
Phạm Giang (Theo AFP, Reuters)