Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, có nhiều phụ huynh quan niệm trẻ vị thành niên không đủ lớn, do đó chưa cần phòng các bệnh lây qua đường tình dục, trong đó có HPV.
"Trong mắt phụ huynh, trẻ em là những "chú chim non", thiếu hiểu biết. Thực tế, trẻ đã có những tò mò sinh lý nằm ngoài tầm kiểm soát của cha mẹ, có thể tiếp cận với lượng thông tin vô tận, có hoặc chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội", bác sĩ Chính nói.
Vì vậy, trẻ cần được trang bị các kiến thức về sức khỏe tuổi dậy thì, giúp phòng ngừa nhiều vấn đề không mong muốn trong tương lai, trong đó có nguy cơ lây nhiễm HPV.
Theo bác sĩ Chính, ngoài tình dục, HPV có thể lây qua các đường âm thầm khác như tiếp xúc với dụng cụ phụ khoa, đồ lót dính mầm bệnh; da có vết loét, chảy máu tiếp xúc với mầm bệnh... Nhiều nghiên cứu đã ghi nhận nhiều trẻ chưa quan hệ tình dục vẫn có virus trong cơ thể, ví dụ nghiên cứu năm 2013 tại Tanzania (châu Phi) ghi nhận 40/474 trẻ em gái từ 15-16 tuổi có HPV (chiếm 8,4%) khi chưa quan hệ tình dục.
Bài báo khoa học đăng tải trên Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ năm 2020 chủ đề đường lây HPV phi tình dục, chỉ ra virus có thể sống nhiều ngày trên các bề mặt như quần áo, vật dụng vệ sinh cá nhân, thiết bị phụ khoa được sử dụng thường xuyên. HPV tồn tại trong nước có thể lây nhiễm sau 7 ngày (kể cả khi ở môi trường khô sau đó), tỷ lệ 30%.
Trong khi đó, tại Việt Nam, theo khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2019, tỷ lệ học sinh quan hệ tình dục lần đầu tiên trước 14 tuổi có xu hướng tăng, cao hơn gấp đôi so với năm 2013 (1,48%). Trong số những học sinh đã từng quan hệ tình dục, 42,4% có sử dụng bao cao su và 44,0% sử dụng các phương pháp ngừa thai khác, thấp hơn so với năm 2013 (lần lượt là 52,6% và 64,2%) và thấp hơn so với Thái Lan năm 2015.
WHO đánh giá việc quan hệ tình dục trước 14 tuổi và không sử dụng bao cao su góp phần gây ra tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên và mang thai ngoài ý muốn, tỷ lệ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục cao.
Mặt khác, HPV sau khi nhiễm có thể sẽ ở lại cơ thể rất lâu. Nghiên cứu năm 2012 trên 700 phụ nữ ở độ tuổi 35-60 cho thấy 87% trường hợp đã phơi nhiễm khi còn trẻ, 13% nhiễm do lây từ bạn tình mới.
Khi nhiễm lâu dài, HPV có thể gây nhiều bệnh lý như u nhú, ung thư. Một nghiên cứu đăng tải trên Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ năm 2019, ước tính khoảng 660 triệu người trên thế giới nhiễm HPV mỗi năm, trong đó khoảng 630.000 ca mắc ung thư mới (khoảng 5% tổng số ca ung thư); hơn 99.7% ung thư cổ tử cung, 80% ung thư hậu môn, 70% ung thư vòm họng, hơn 90% mụn cóc sinh dục ở cả hai giới...
Các thực tế này đã cho thấy vaccine ngừa HPV cần thiết đối với mỗi người. Theo bác sĩ Chính, mọi người nên được chủng ngừa trước khi mầm bệnh xâm nhập cơ thể để mũi tiêm phát huy hiệu quả tốt nhất. Mọi người không chờ cho đến khi đã quan hệ tình dục hoặc phơi nhiễm HPV mới tiêm.
Trong đó, WHO cho rằng vaccine phát huy hiệu quả cao khi tiêm cho trẻ 9-14 tuổi. Lý do là độ tuổi này chưa có quan hệ tình dục nên phơi nhiễm với HPV không cao. Nghiên cứu cho thấy trẻ trước tuổi vị thành niên có phản ứng miễn dịch tốt hơn so với người ở độ tuổi thanh thiếu niên và đầu tuổi 20. Hiệu giá kháng thể cũng kéo dài hơn, giúp trẻ không cần tiêm nhắc lại khi trưởng thành. Vaccine HPV có khả năng bảo vệ đến 94% nếu tiêm sớm, tiêm đủ và đúng lịch.
Bên cạnh đó, theo bác sĩ Chính, tiêm vaccine đầy đủ không có nghĩa là loại bỏ 100% nguy cơ nhiễm HPV. Mọi người vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: quan hệ tình dục an toàn, hạn chế các chất kích thích, sinh hoạt lành mạnh, không dùng chung vật dụng cá nhân, duy trì khám sức khỏe định kỳ...
Mộc Thảo
Hiện Hệ thống tiêm chủng VNVC có hai loại vaccine Gardasil và Gardasil 9 ngừa HPV. Trong đó, Gardasil 9 tiêm cho nam và nữ, cộng đồng LGBT 9-26 tuổi, phòng 9 chủng HPV gồm 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52, 58, hiệu quả bảo vệ 94%. Trẻ từ 9-14 tuổi có thể tiêm vaccine Gardasil 9 với phác đồ 2 mũi cách nhau 6 tháng. Còn Gardasil phòng 4 chủng gồm 6, 11, 16, 18, chỉ tiêm cho nữ giới từ 9-26 tuổi, phác đồ 3 mũi trong vòng 6 tháng.