Cuối năm 2021, một công ty mua 809 hecta đất với giá hơn 4 triệu USD. Thông tin này vốn không đáng chú ý, nhưng nó lại trở thành đề tài hấp dẫn bởi mảnh đất đó hoàn toàn ảo, chỉ tồn tại dưới dạng NFT trên nền tảng The Sandbox.
NFT (non-fungible token) là một chứng chỉ kỹ thuật số duy nhất được đăng ký trong một blockchain, được sử dụng để ghi lại quyền sở hữu một tài sản như tác phẩm nghệ thuật hoặc đồ sưu tầm. Nó được đánh giá cao trong metaverse nhờ hai yếu tố: tính phi tập trung và khả năng vận hành liên kết giữa nhiều nền tảng. Nhiều người tin token cung cấp bằng chứng sở hữu không thể tranh cãi, từ đó có thể sử dụng xuyên suốt nhiều ứng dụng và môi trường metaverse.
Tuy nhiên, theo João Marinotti, Phó giáo sư về luật tại Đại học Indiana, quyền sở hữu tài sản trên metaverse không đơn giản như vậy. Thứ được gọi là "quyền sở hữu" trong vũ trụ ảo không giống quyền sở hữu ngoài đời thực, khiến người mua có nguy cơ bị lừa gạt.
Theo điều khoản của các nền tảng metaverse, NFT và sản phẩm trong metaverse mà người dùng mua có cơ chế không giống nhau. NFT tồn tại trên blockchain, trong khi các mảnh đất, nhân vật và tài sản trong metaverse lại nằm tại máy chủ riêng, vận hành bằng mã nguồn khép kín và cơ sở dữ liệu không ai tiếp cận được.
Có nghĩa, mọi hình ảnh và tính năng của tài sản kỹ thuật số, các yếu tố mang lại giá trị cho chúng, đều không nằm trên blockchain. Chúng được kiểm soát bởi nền tảng metaverse và chịu sự quản lý đơn phương của họ.
Điều khoản người dùng cho phép các nền tảng xóa bỏ tài sản bằng cách ngắt kết nối giữa chúng với mã nhận diện NFT nguyên gốc. Ngay cả khi sở hữu NFT đi kèm với tài sản kỹ thuật số, người dùng cũng không nắm được các tài sản này, mà chỉ được nền tảng metaverse cấp quyền tiếp cận chúng.
Ông Marinotti nêu ví dụ, một người có thể sở hữu bức tranh NFT giá 200.000 USD trong căn hộ ảo trên một nền tảng metaverse. Nhưng họ có thể bị khóa tài khoản và cấm sử dụng nền tảng. Họ vẫn sở hữu NFT đó trên blockchain, nhưng tài sản của họ đã trở nên vô dụng.
Theo chuyên gia về luật, đây không phải kịch bản xa vời. Chưa có luật nào cấm các công ty metaverse làm như vậy. The Sandbox có quyền chặn người dùng sử dụng hay thậm chí là tiếp cận những tài sản mà họ bỏ tiền mua, như mảnh đất ảo trị giá bốn triệu USD nói trên. Nếu nền tảng này tin một người dùng nào đó có hành vi vi phạm, họ có thể lập tức khóa tài khoản và mọi tài sản liên quan mà không cần thông báo. Hộ cũng có thể tịch thu bất kỳ NFT nào được người dùng mua nếu cho rằng nó được lấy từ hoạt động trái quy định của nền tảng.
Ông Dương Trần Phương Đông, CEO dự án game NFT Atlantis Universe, cho biết thế giới metaverse hiện còn tồn tại nhiều bất cập và rủi ro. Nếu một dự án không thành công, người dùng không hề mất đi quyền sở hữu NFT. Tuy nhiên, giá trị sử dụng của NFT đó gần như không còn, đồng nghĩa giá trị tài sản của họ cũng suy giảm theo. "Các sàn NFT trung lập cần phát triển công nghệ và giải pháp để hỗ trợ quản lý rủi ro cho người tham gia. Người dùng cũng cần tìm hiểu kỹ trước khi giao dịch NFT, lựa chọn dự án uy tín, có tiềm năng dài hạn, có chiến lược, kế hoạch phát triển bền vững", ông nói.
Các chuyên gia luật nhận định, bản thân công nghệ đơn thuần sẽ không thể mở đường cho vấn đề sở hữu tài sản thực sự trong metaverse. NFT cũng không thể vượt qua quyền kiểm soát tập trung trong tay các nền tảng metaverse dựa trên thỏa thuận được người dùng chấp nhận khi tham gia. Để thành hiện thực, công nghệ cần đi kèm những thay đổi về luật trước khi metaverse có thể trở thành viễn cảnh đúng như kỳ vọng.
Điệp Anh (theo The Next Web)