Sự việc do tòa án thành phố Hàng Châu xử lý, giữa nguyên đơn là công ty Qice (Thâm Quyến) và bị đơn là công ty BigVerse, vận hành sàn giao dịch NFTCN.
Theo SCMP, một người dùng NFTCN đã rao bán và thu về 899 CNY, tương đương 137 USD, cho một NFT là bức tranh do nghệ sĩ Ma Qianli tạo ra, nhưng không hề xin phép nghệ sĩ này. Tác phẩm vẽ hình một con hổ đang được tiêm vaccine, được xác định có chủ sở hữu bản quyền duy nhất là Ma Qianli.
Danh tính của người bán không được công bố. Nhưng theo phán quyết của tòa, sàn NFTCN đã không kiểm tra xem người tạo NFT đó có phải chủ sở hữu hợp pháp của tác phẩm hay không. Do đó, nền tảng đã "tạo điều kiện cho việc vi phạm quyền phổ biến tác phẩm qua mạng". Ngoài ra, do sàn thu lợi trực tiếp từ NFT thông qua việc tính phí giao dịch, họ cần có trách nhiệm với việc vi phạm bản quyền.
BigVerse bị yêu cầu bồi thường 4.000 CNY (611 USD), đồng thời phải ngăn việc lưu hành NFT nói trên bằng cách gửi chúng đến một "eater address". Đây là thuật ngữ chỉ một địa chỉ ví chứa tài sản số nhưng không có khóa bí mật nên không thể thực hiện giao dịch, đồng nghĩa với việc NFT trên bị "đốt".
Vấn nạn trộm cắp, vi phạm bản quyền trong lĩnh vực NFT không mới trên thế giới, trong đó có cả ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một tòa án của Trung Quốc đưa ra phán quyết mang tính bước ngoặt liên quan đến NFT và có thể trở thành hình mẫu tham khảo cho các tình huống tương tự trong tương lai.
Theo SCMP, dù không ủng hộ việc giao dịch tiền điện tử và nhiều lần cảnh báo người dân về rủi ro với tài sản số, Trung Quốc vẫn chấp nhận các hoạt động liên quan đến NFT. Cộng đồng NFT tại nước này cũng đã hình thành và phát triển mạnh. Tuy nhiên, do chưa được kiểm soát một cách rõ ràng, các hành vi gian lận, trộm cắp và vi phạm bản quyền vẫn diễn ra.
Ni Longyan, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Luật thuộc Đại học Chiết Giang, cho rằng phán quyết của tòa án Hàng Châu đã gián tiếp xác nhận giao dịch NFT tại Trung Quốc sẽ phải tuân theo các quyền liên quan đến việc phổ biến thông tin trên mạng. Trước đó, người dùng nước này vẫn tranh cãi về vấn đề trên.
"Phán quyết cho thấy các nền tảng blockchain có nghĩa vụ giám sát cao hơn các nền tảng khác, như thương mại điện tử", Ni Longyan nói. Các nhà cung cấp dịch vụ mạng tại Trung Quốc vốn vẫn được bảo vệ và thường không có nghĩa vụ phải chủ động xem xét các thông tin trên nền tảng của mình.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu này, kết quả của sự việc trên không đồng nghĩa tất cả các NFT sẽ đều được bảo vệ, đặc biệt là những NFT được giao dịch bằng tiền điện tử.
Xia Hailong, luật sư tại công ty luật Shanghai Shenlun, cho rằng các công cụ pháp lý hiện tại ở Trung Quốc chưa bắt kịp với những khái niệm mới. Những đặc tính của NFT vốn đã vượt ra ngoài những gì mà luật bản quyền có. Trong trường hợp trên, kết luận của tòa vẫn chưa cho thấy các chủ sở hữu NFT sẽ có những quyền gì và phán quyết "còn lâu mới chạm đến cốt lõi của hệ sinh thái NFT".
Lưu Quý (theo SCMP)