Sina Estavi, doanh nhân người Iran là chủ sở hữu NFT nói trên, đã rao bán vật phẩm số của mình vào ngày 7/4 với thời gian đấu giá kéo dài một tuần. Estavi kỳ vọng NFT sẽ được mua lại với mức ít nhất 50 triệu USD.
"Tôi quyết định bán NFT này và quyên góp 50% số tiền thu được (25 triệu USD trở lên) cho tổ chức từ thiện" Estavi viết.
Tuy nhiên đến hôm nay, khi thời hạn đấu giá đã hết, NFT mới nhận được 7 lượt trả giá. Số tiền cao nhất người mua đưa ra là 0,09 ETH, tương đương 280 USD, trong khi có người chỉ trả giá 0,0019 ETH (6 USD).
Estavi hiện chưa bán NFT với giá trên. Trả lời CoinDesk, doanh nhân này cho biết: "Nếu nhận được lời đề nghị hấp dẫn, tôi có thể sẽ chấp nhận hoặc cũng có thể sẽ không bao giờ bán nó".
Dù đã quá hạn, hiện một số người vẫn tiếp tục trả giá để mua NFT này. Số tiền cao nhất được ghi nhận là 2,2 ETH, tương đương 7.000 USD, nhưng vẫn thấp hơn hàng trăm lần so với số tiền Estavi từng bỏ ra để mua dòng tweet NFT này vào tháng 3/2021.
Khi đó, đây là một trong những tài sản số nổi tiếng nhất thế giới. Thông điệp với nội dung "just setting up my twttr", được cựu CEO Twitter Jack Dorsey đăng ngày 22/3/2006, là dòng tweet đầu tiên trên thế giới. Dorsey sau đó biến tweet này thành NFT và rao bán.
Estavi sở hữu NFT trên sau khi chiến thắng cuộc đấu giá, nhờ bỏ ra hơn 1.630 ETH, tương đương 2,9 triệu USD lúc đó. Ông từng ví dòng tweet mà mình vừa sở hữu giống "bức họa Mona Lisa".
"Tôi nghĩ hàng năm sau, con người mới nhận ra giá trị thực của tweet này", Estavi viết nhận xét vào năm ngoái. Nhưng thực tế, sau hơn một năm, NFT này đang được trả giá chỉ vỏn vẹn vài trăm USD.
Lưu Quý